Ngày Đại dương thế giới 2022: "Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương”

Nguyễn Thị Hải Hà
Ngày Đại dương thế giới năm 2022 (8/6) có chủ đề "Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”, thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
ngay-tg-dai-duong-1654769642.jpg
Rác thải nhựa đang là mối đe doạ vô cùng nghiêm trọng đối với đại dương và các loài sinh vật biển

Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh chủ đề Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về sự cân bằng của hệ sinh thái biển, đồng thời khuyến khích mọi người hành động vì sức khoẻ đại dương. Tất cả hướng tới việc khôi phục và gìn giữ sự đa dạng hệ sinh thái cho thế hệ mai sau.Đại dương là môi trường sống của 94% sinh vật trên Trái đất.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước biển đang ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân lớn tới từ rác nhựa thải trực tiếp ra đại dương, đe doạ sự sống còn của sinh vật biển. Nhiều loài động vật biển được phát hiện chết do ngạt thở, mắc kẹt, bị thương và nhiễm trùng do các mảnh vụn nhựa gây ra. Không chỉ vậy, các mảnh nhựa trôi nổi và các loại rác thải khác cũng mở đường cho các loài xâm lấn, tạo nên mối nguy hiểm lớn đối với sự cân bằng hệ sinh thái đại dương.

Theo báo cáo của quỹ Ellen MacArthur, các đại dương trên khắp thế giới đang bị tràn ngập bởi nhựa và dự đoán đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa sẽ vượt qua khối lượng cá biển. Sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040 và tăng gấp 2,5 lần vào năm 2050.

Theo ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), xu hướng phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới giúp thúc đẩy sự phát triển chung của các nước, trong đó có Việt Nam. Thế giới xem thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia đi tiên phong trên thế giới đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung: Sản xuất xanh, công nghiệp xanh - sử dụng các công nghệ kỹ thuật sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm bớt ô nhiễm môi trường; tiêu dùng xanh - xây dựng lối sống xanh, bảo vệ và sống hài hòa với môi trường thiên nhiên.

Do đó, khoa học-công nghệ biển trong giai đoạn 2021-2025 trên thế giới sẽ tập trung vào việc khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững biển và đại dương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác quốc tế trên quy mô thế giới và khu vực nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học-công nghệ biển, tận dụng nguồn lực các nước cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học nói chung trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Thực trạng đó buộc mỗi cá nhân phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân.

Tháng 5/2020, Chính phủ đã có Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Đề án đặt ra quan điểm: hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển phải bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Định hướng đến năm 2030, nội dung về khoa học công nghệ trong lĩnh vực biển đảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp biển và hải đảo; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình dự báo, giám sát, cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường biển phục vụ công tác quản lý, khai thác các tiềm năng của biển và bảo vệ môi trường biển, góp phần duy trì tính đa dạng của các hệ sinh thái biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển một cách bền vững; nghiên cứu, đề xuất các công cụ, mô hình quản lý mới nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

PV