Tham dự Hội nghị có bà Bùi Thị Hoà - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; bà Huỳnh Thị Xuân Lam - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Vũ Thanh Lưu - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Daniell Cowley - Quyền trưởng bộ phận hợp tác điều phối với các thành viên Hiệp hội khu vực; ông Mohammad Adith Shad Durjoy- Giám đốc cấp cao về hỗ trợ phát triển các Hội quốc gia, Văn phòng Hiệp hội tại Bangladesh; bà Allison Dage Yamo - Điều phối viên hỗ trợ phát triển Hội quốc gia, Hội Chữ thập đỏ Papua New Guinea cùng lãnh đạo các ban đơn vị Trung ương Hội và đại diện lãnh đạo của 9 tỉnh, thành/Hội đại diện cho 8 cụm thi đua trong cả nước là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Bùi Thị Hoà - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh: Hội nghị tập huấn đánh giá năng lực tổ chức Hội quốc gia (OCAC) được tổ chức trong thời điểm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ lần thứ XI nhiệm kỳ 2022-2027. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội để phát triển và hội nhập đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong nhiệm kỳ XI (2022-2027), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xác định cần tập trung vào 2 khâu đột phá là vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ/nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo. Hội cũng xác định 2 phong trào mới là Người tốt - việc tử tế - Chung tay xây dựng cộng đồng nhân ái và Tết Nhân ái; 3 chương trình trọng điểm gồm: An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn; Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo khuyết tật và Chương trình chuyển đổi số. Để hoàn thành tốt những mục tiêu trên trong bối cảnh nhiều tổ chức cùng tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phải làm tốt được vai trò là tổ chức nòng cốt, điều phối trong sự nghiệp nhân đạo. Hội cần có một đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình đáp ứng được với yêu cầu; có một hệ thống Hội chuyên nghiệp, linh hoạt, có cơ chế tài chính minh bạch, nguồn lực luôn sẵn sàng; có chính sách quản trị tổ chức rộng mở, hiệu quả, đưa công nghệ vào ứng dụng trong mọi hoạt động; cán bộ, hội viên đoàn kết, đồng lòng và tin cậy.
Chủ tịch Bùi Thị Hòa hy vọng, thông qua Hội nghị lần này, với sự hỗ trợ từ các hướng dẫn viên của Hiệp hội, các đại biểu sẽ cùng nhau nhìn lại kết quả triển khai các khuyến nghị đánh giá OCAC từ giai đoạn 2014 đến nay, những việc đã thực hiện ở thời điểm trước khi bắt đầu một nhiệm kỳ mới đối với các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong buổi sáng ngày 18/7, các đại biểu đã thảo luận rất nhiều vấn đề liên quan đến xác định năng lực của tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như: Đánh giá về Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, việc xây dựng và phổ biến Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thực hiện bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ, xây dựng và phổ biến Chiến lược phát triển Hội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045…
Hội nghị tập huấn đánh giá năng lực tổ chức Hội quốc gia được tổ chức từ ngày 18-20/7/2022. Hội nghị lần này có một ý nghĩa quan trọng trong việc xác định rõ năng lực Hội Chữ thập đỏ quốc gia từ đó có những lộ trình thay đổi để điều chỉnh, cải thiện năng lực Hội Chữ thập đỏ quốc gia tốt hơn nhằm hoàn thành các mục tiêu trong chiến lược phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.