Việt Nam là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất của bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Chỉ tính từ sau năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Số bom mìn sót lại làm ô nhiễm trên 6,13 triệu ha chiếm 18,7% tổng diện tích của cả nước tại 63/63 tỉnh, thành, trong đó nhiều địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn lớn như: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Giang, Quảng Bình, Hà Tĩnh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...
Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để giải quyết hậu quả của bom mìn, nhiều hoạt động như: thực hiện việc rà phá, xử lý đất ô nhiễm, hỗ trợ người dân vốn sinh kế, phương tiện hỗ trợ những người khuyết tật... Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố về cơ chế, chính sách, nguồn lực chưa được thực hiện đầy đủ, khả năng và điều kiện của đất nước chưa đáp ứng nhu cầu. Ước tính để giải quyết căn bản hậu quả của ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam phải chi phí hàng chục tỷ đô la thực hiện hàng trăm năm.
Để góp phần làm giảm bớt tác động ảnh hưởng và hậu quả của bom mìn, ngoài việc đầu tư nguồn lực của nhà nước cần có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự phối hợp của các cơ quan tổ chức, trách nhiệm tham gia của người dân.
Là một tổ chức nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động trong thực hiện một số dự án về giảm thiểu tác động của hậu quả bom mìn tại một số tỉnh miền Trung thông qua Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ (ICRC). Trong đó tập trung ở một số lĩnh vực như: Truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về tác động bởi hậu quả do bom mìn vật liệu nổ; phương pháp phòng tránh; huấn luyện sơ cấp cứu khi sự cố xảy ra; hỗ trợ vốn sinh kế cho các đối tượng bị thương tật do bom mìn; hỗ trợ công cụ, phương tiện phục hồi chức năng. Các hoạt động này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Trong 10 năm (2009-2019) triển khai dự án "Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế xã hội của nạn nhân bom mìn", các cấp Hội đã tuyên truyền cho hơn 40.000 lượt người, trong đó có nhiều học sinh trong các trường học; hỗ trợ gần 1.000 hộ gia đình vốn sinh kế và dụng cụ phục hồi chức năng.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này, được sự hỗ trợ của (ICRC) lớp tập huấn về giảng viên nguồn "Nâng cao nhận thức về rủi ro và hành vi an toàn" của Dự án này cho Hội Chữ thập đỏ các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Giang, được tổ chức trong 10 ngày (14-23/8/2019) sẽ giúp đào tạo đội ngũ tập huấn viên để tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Hội cơ sở và người dân tại các địa phương trọng điểm về ô nhiễm bom mìn và địa bàn triển khai Dự án.
Sau chương trình tập huấn, các hoạt động về công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh trong việc khắc phục hậu quả của bom mìn sau chiến tranh, hoạt động dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân và vận động nguồn lực thực hiện công tác này sẽ được triển khai tại các địa phượng trọng điểm.