Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế toàn diện, hiệu quả

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Từ năm 1999, Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký kết và triển khai Nghị quyết liên tịch về phối hợp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhiều hoạt động phối hợp đã được triển khai và đạt kết quả tốt, điển hình như công tác tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, chăm lo bữa ăn cho bệnh nhân nghèo, khám chữa bệnh nhân đạo, sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; đặc biệt mới đây là phối hợp tốt trong phòng, chống dịch COVID-19 và nhiều chương trình phối hợp được ký kết cho những giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Bùi Thị Hoà, Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam; đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Phụ trách Điều hành Bộ Y tế ký kết Chương trình hợp tác giữa Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Bộ Y tế giai đoạn 2022-2027

Chương trình phối hợp toàn diện và hiệu quả

Để làm tốt công tác khám, chữa bệnh nhân đạo, Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản đưa công tác này đi vào nề nếp, đảm bảo đúng chuyên môn kỹ thuật, vận động các thầy thuốc tham gia khám, chữa bệnh tình nguyện cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi có nhu cầu theo đúng quy định của pháp luật.

Một trong những kết quả khẳng định thành công trong công tác phối kết hợp giữa hai bên là công tác vận động hiến máu tình nguyện. Ngành Y tế đã hướng dẫn, hỗ trợ trang thiết bị chuyên môn cho các điểm hiến máu lưu động của Hội Chữ thập đỏ; phối hợp các hoạt động tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo và tiếp nhận máu. Đến nay, kết quả vận động và tiếp nhận máu tăng nhanh hàng năm, năm sau cao hơn năm trước cả về chất lượng và số lượng, với mức tăng trung bình hàng năm là 8,5%; từ hơn 500 ngàn đơn vị năm 2008 tăng lên gần 1,5 triệu đơn vị trong năm 2021. Lượng máu tiếp nhận đã căn bản đáp ứng nhu cầu máu và chế phẩm phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh trong cả nước .

Cùng với công tác hiến máu tình nguyện, hai bên đã phối hợp hướng dẫn, xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông về hiến mô và bộ phận cơ thể người; tăng cường truyền thông vận động hiến mô, tạng tại các cấp Hội

Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, Hội Chữ thập đỏ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế cùng với các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn cán bộ, hội viên, tình nguyện viên triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch phù hợp với thực tế và chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực của hệ thống Hội. Các cấp Hội đã vận động nguồn lực và hỗ trợ các cơ sở y tế, khu cách ly và người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, như: khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn, trang phục bảo hộ y tế, tài liệu truyền thông và các nhu yếu phẩm khác.

Có thể khẳng định, với sự phối hợp, đồng hành của ngành Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng được nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả, sáng tạo dựa vào nguồn lực của người dân, vận động cộng đồng tham gia, góp phần thực hiện xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ và từng bước nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Bộ Y tế là đối tác lâu dài của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Phát huy những kết quả đạt được, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, khó khăn, người dân bị thiên tai, dịch bệnh... Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai một số nội dung sau: Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và nhân dân; phát triển mạng lưới, huấn luyện, đào tạo về kiến thức, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe; huấn luyện, đào tạo kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; triển khai chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” trong các trường tiểu học và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Hai bên đồng hành triển khai các hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; củng cố, phát triển các Trạm, Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ; cập nhật, bổ sung tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ; tổ chức huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; triển khai các điểm sơ cấp cứu tại trạm y tế xã, phường, các cơ sở y tế; triển khai chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”. Chương trình phối hợp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo; hiến mô, bộ phận cơ thể người; phát triển các cơ sở hiến máu Chữ thập đỏ, thí điểm xây dựng và triển khai Trung tâm hiến máu Chữ thập đỏ. Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ cam kết tổ chức thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị trong các cơ sở y tế, tạo hệ sinh thái nhân đạo hỗ trợ bệnh nhân nghèo trong bệnh viện và trong các tình huống khẩn cấp như: thiên tai dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng, duy trì và phát triển các bếp ăn tình thương trong bệnh viện. Tuyên truyền, phổ biến và thực hiện bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ trong các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; đảm bảo biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng đúng mục đích.

Đánh giá về kết quả sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhận định: Chương trình phối hợp giữa Hai bên toàn diện, hiệu quả, lâu dài nhất trong các đối tác của Hội, với 5 điểm đặc biệt chính là 3/7 nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của Hội được quy định tại Luật hoạt động Chữ thập đỏ liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; Bộ Y tế thể chế toàn diện trách nhiệm quản lý nhà nước, thông qua ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Hội Chữ thập đỏ đầy đủ nhất (4 Thông tư, 2 Quyết định, 2 Nghị quyết liên tịch); Các hoạt động phối hợp ngay từ những ngày đầu thành lập Hội để cứu chữa thương, bệnh binh trên chiến trường, cho đến ngày nay với đa dạng các hoạt động; Ký kết các văn bản phối hợp có thời gian dài nhất, liên tục 23 năm (Nghị quyết liên tịch đầu tiên ký lần đầu tiên ngày 05/8/1999); 4/10 nhiệm kỳ (61 năm), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là các giáo sư đầu ngành Y tế.

Mai Phương