Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chung tay thực hiện tốt công tác nhân đạo, an sinh xã hội

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”, làm thế nào để trợ giúp hiệu quả nhất những người dễ bị tổn thương, góp phần thực hiện an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững đó là mục tiêu chung trong công tác phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
4-01-5183-1661655807.jpg
Các cán bộ Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.

Thời gian qua, công tác phối kết hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả với các nhiệm vụ trọng tâm như cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo người dễ bị tổn thương, hỗ trợ tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa.

Hai cơ quan đã phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phối hợp thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngân hàng bò”.

Đặc biệt, hàng năm hai bên đã phối hợp thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa vận động, huy động các nguồn lực tham gia tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trợ giúp thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, hai cơ quan cũng tham gia phối hợp thực hiện chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em với các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, tập huấn sơ cấp cứu, tổ chức học kỳ nhân ái, trường học an toàn, tổ chức trợ cấp hàng tháng cho 300.000 trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt; thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật với các hoạt động vận động kinh phí hỗ trợ cho trên 6 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo bằng nhiều hình thức.

Trong các năm gần đây, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp; mưa bão, lũ lụt xảy ra liên tiếp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ rà soát, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân để có phương án trợ giúp kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men và chỗ ăn ở cho người dân bị ảnh hưởng, huy động nguồn lực địa phương, nguồn lực xã hội hóa trong công tác trợ giúp nhân đạo. Từ đầu năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia (trong đó có Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) triển khai các hoạt động trợ giúp nhân đạo để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Một trong những minh chứng cho công tác phối kết hợp chặt chẽ đó là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia Ban Thường vụ của Trung ương Hội; ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia cơ cấu Ban Thường vụ/Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ cùng cấp ở hầu hết các địa phương để triển khai các hoạt động phối hợp trong cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo các đối tượng dễ bị tổn thương, một số cán bộ sau đó chuyển sang làm cán bộ chủ chốt của Hội Chữ thập đỏ. Năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã thống nhất chủ trương giao Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi. Cùng với các chương trình hoạt động cụ thể, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu, xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ quan trọng để Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nâng cao công tác quản lý, chuẩn hóa các hoạt động trợ giúp người dễ bị tổn thương và xây dựng Luật hoạt động Chữ thập đỏ.

Để chung tay thực hiện tốt công tác nhân đạo, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tăng cường các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn mới, phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong chính sách, tạo điều kiện để hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ ngày càng hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững và thực hiện Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”, trong đó xác định công tác xã hội trong lĩnh vực nhân đạo là nhiệm vụ nền tảng có tính chi phối cao.

Mai Phương