Đây là giải thưởng nhằm vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp vào xây dựng Trường học an toàn, trong khuôn khổ Sáng kiến ASEAN về Trường học an toàn, ưu tiên trong Thỏa thuận ASEAN về Quản lý thiên tai và Ứng phó khẩn cấp (AADMER, 2016-2020) và Kế hoạch hành động ASEAN về Khung trường học an toàn.
Hội nghị khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về An toàn học đường lần thứ 3 thu hút khoảng 100 đại biểu tham gia từ các quốc gia ASEAN và các khu vực lân cận, bao gồm: Các quan chức cấp cao của Văn phòng Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMO) trong ASEAN; Các quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục (MOEs) trong ASEAN; Các quan chức chính phủ cao cấp từ các cơ quan chủ quản có liên quan khác liên quan đến công tác an toàn trường học (Tài chính, Kế hoạch, Quản lý công...); Ban giám hiệu trường học địa phương trong ASEAN, giáo viên và học sinh; Ban thư ký ASEAN; Các đối tác của Hiệp hội ASSI (Plan International, World Vision, Save the Children, Mercy Malaysia, Hiệp hội CTĐ và TLLĐ quốc tế,…); và các thành viên của Liên minh Châu Á Thái Bình Dương về An toàn Trường học (APCSS); Các đối tác và các bên liên quan khác trong khu vực (khu vực tư nhân, viện nghiên cứu, nhóm thanh thiếu niên,...).
Hội nghị khu vực này nhằm tập hợp các đại diện của Bộ Giáo dục (MOEs) và Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMO) của các nước ASEAN cũng như từ các đối tác và các bên liên quan chính để thảo luận và đánh giá kết quả của ASEAN trong các nỗ lực an toàn trường học trong 5 năm qua.
Hội nghị cũng là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi học tập và bắt đầu cuộc đối thoại nhằm xác định phương hướng và chiến lược của Sáng kiến Trường học An toàn ASEAN (ASSI) sau năm 2020.
Hội nghị cũng nhằm tập trung vào đánh giá kết quả của khu vực trong công tác an toàn trường học và trong việc định hướng các cuộc thảo luận của ASEAN, cách tiếp cận và chiến lược về an toàn trường học sau Chương trình hành động AADMER 2016-2020 và Kế hoạch hoạt động ASEAN về giáo dục 2016-2020.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này, bên cạnh Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, còn có đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Tại Hội nghị này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cử đại biểu tham gia và trình bày chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề: Nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước tại Việt Nam.
Trong Hội nghị này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được Hội đồng giáo dục ASEAN phê duyệt "Champion on ASEAN School Safety 2019". Đây là giải thưởng nhằm vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp vào xây dựng Trường học an toàn, trong khuôn khổ Sáng kiến ASEAN về Trường học an toàn, ưu tiên trong Thỏa thuận ASEAN về Quản lý thiên tai và Ứng phó khẩn cấp (AADMER, 2016-2020) và Kế hoạch hành động ASEAN về Khung trường học an toàn.
Trong số nhiều hồ sơ nộp, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự là 1 trong 3 tổ chức được phê duyệt. Bên cạnh đó, còn có 5 giải cá nhân và 4 trường học trong danh sách nhận giải. Trong danh sách vinh danh có Trường tiểu học Phú Mậu, Thừa Thiên Huế do Tổ chức Plan Interntional Việt Nam hỗ trợ nộp đề xuất (thuộc địa bàn dự án của Tổ chức Plan).
Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất trên thế giới. Hơn 50% số ca tử vong do thảm họa toàn cầu đã diễn ra tại khu vực ASEAN từ năm 2004 đến 2014 với khoảng 354.000 người thiệt mạng. Trong cùng thời gian, khoảng 191 triệu người đã tạm thời di cư, và 193 triệu người khác bị ảnh hưởng hoặc trải qua các loại tổn thất khác nhau do thảm họa.
Ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và các rủi ro khác trẻ em và giáo viên dành nhiều thời gian trong trường học. Đã có nhiều trường hợp khi trẻ em hoặc giáo viên bị chết hoặc bị thương trong trường học bởi thảm họa. Những thảm họa gần đây trong khu vực ASEAN đã phá hủy các cơ sở trường học, đặc biệt là những cơ sở có thiết kế xây dựng kém, xây dựng sai mục đích hoặc lựa chọn địa điểm không phù hợp, khiến học sinh không thể đến trường. Giáo dục trẻ em cũng bị gián đoạn khi các trường học được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời hoặc khu vực sơ tán cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Những thất bại lớn về đầu tư phát triển trong lĩnh vực giáo dục cũng chịu ảnh hưởng bởi thảm họa, đặc biệt là khi các chính sách giảm thiểu rủi ro không được ưu tiên đầy đủ.
Nhận thức được tác động của thảm họa đối với ngành giáo dục và trẻ em, ASEAN đã thành lập Sáng kiến Trường học An toàn ASEAN (ASSI) nhằm thúc đẩy hội nhập toàn diện về giảm thiểu rủi ro trong ngành Giáo dục. Sáng kiến này là ưu tiên của Hiệp định ASEAN về Quản lý thiên tai và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) giai đoạn 2016-2020 (Ưu tiên số 2: Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu cho cộng đồng ASEAN an toàn) và Kế hoạch hoạt động ASEAN về giáo dục 2016-2020 (Lĩnh vực ưu tiên 5.2: Thúc đẩy việc giảm thiểu rủi ro thiên tai trong chương trình giảng dạy quốc gia thông qua hỗ trợ cho các sáng kiến của các ngành liên quan).
Để hỗ trợ các mục tiêu và chiến lược của chương trình ASSI, với sự lãnh đạo của Ủy ban quản lý thiên tai ASEAN (ACDM) và Hội nghị cấp cao về giáo dục (SOM-ED) đã tổ chức một hội nghị khu vực hai năm một lần để vận động, thảo luận và trao đổi học tập giữa các bên liên quan về giảm thiểu rủi ro thảm họa (DRR) trong Giáo dục và An toàn học đường trong ASEAN.
Hội nghị An toàn học đường khu vực ASEAN lần thứ nhất, được tổ chức vào tháng 12 năm 2015 tại Phnom Penh, Campuchia đã chứng kiến sự ra mắt chính thức của Khung hành động ASEAN về An toàn trường học toàn diện và các công cụ hỗ trợ thực hiện quản lý thảm họa học đường trong khu vực.
Hội nghị khu vực ASEAN lần thứ hai được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 2 năm 2017 nhằm tiếp tục khẳng định cam kết của các nước ASEAN và các đối tác liên quan khác để tiếp tục nỗ lực an toàn học đường của quốc gia nhằm góp phần hoàn thành Chương trình hành động của Hiệp định AADMER giai đoạn 2016-2020 mới được thông qua và Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về Giáo dục giai đoạn 2016-2020 cũng như Khung làm việc cho các mục tiêu DRR giai đoạn 2015-2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: