Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các mốc son lịch sử từ Đại hội lần thứ I đến đại Hội X

Nguyễn Thị Hải Hà
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng, tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, nam nữ để làm công tác nhân đạo. Trải qua 76 năm hình thành và phát triển, đến nay Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trở thành một tổ chức uy tín có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong công tác nhân đạo và góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân.

Đại hội Đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ Nhất

Cuối năm 1946, nguy cơ chiến tranh đã cận kề, để hợp thức và củng cố sự lãnh đạo của Hội, thống nhất tổ chức, Đại hội đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội, xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động; bầu Ban Trị sự gồm 12 người do Bác sĩ Vũ Đình Tụng làm Hội trưởng, BS. Trần Hữu Tước và Bà Nguyễn Thị Thịnh được cử làm Phó hội trưởng, BS. Tôn Thất Tùng được cử làm Tổng thư ký, BS. Trịnh Văn Tuất, BS. Vưu Hữu Chánh được cử làm Phó tổng thư ký, BS. Trịnh Đình Cung được phân công làm thủ quỹ. BS. Trần Duy Hưng, BS. Nguyễn Viêm Hải, BS. Đinh Văn Thắng, BS. Hoàng Thuỵ Ba, BS. Dương Cẩm Chương được mời làm cố vấn. Đại hội đã thống nhất suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịnh danh dự của Hội.

unnamed-1660639020-1661247167.jpg
Sinh hoạt của đội thanh niên xung kích chữ thập đỏ.

Đại hội đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất đánh dấu sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam, tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Sự ra đời của tổ chức Hội khẳng định sự phát triển ngày càng lớn mạnh của phong trào Chữ thập đỏ trong cả nước, góp phần trợ giúp những người nghèo, nạn nhân chiến tranh, cứu chữa thương binh, tham gia các hoạt động kháng chiến, kiến quốc, đoàn kết, tập hợp, giáo dục nhân dân và bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ II khai mạc ngày 19/11/1960 tại Hà Nội với 150 đại biểu từ trung ương đến các tố chức Hội cơ sở.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá II gồm 27 vị. Hội trưởng là bác sĩ Vũ Đình Tụng. Bà Đinh Thị Cẩn và Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được cử làm Phó Hội trưởng; bà Trần Thị Đích được cử làm Tổng thư ký, ông Trương Đình Bảng và ông Nguyễn Văn Lựu được cử làm Phó tổng thư ký, bà Nguyễn Thị Thịnh được phân công làm Thủ quỹ, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ kiêm Trưởng ban Liên lạc quốc tế, ông Nguyễn Thành Nghi làm Trưởng ban xã hội, bà Trần Thị Đích kiêm Trưởng ban Tổ chức và Tuyên huấn, ông Trương Đình Bảng kiêm Trưởng ban Thanh thiếu niên Hồng thập tự.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III khai mạc ngày 15/12/1965 với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ 15 tỉnh, kể cả từ những tỉnh bắt đầu có chiến tranh như Quảng Bình, Quảng Trị. Đại hội vinh dự nhận được thư chúc mừng của Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh, Chủ tịch danh dự của Hội. Đại hội đã thống nhất đổi tên Hội Hồng thập tự Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá III gồm 39 thành viên. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch, 05 Phó chủ tịch, gồm: bà Đinh Thị Cẩn, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Trần Hữu Tước, luật sư Bùi Thị Cẩm và dược sĩ Vũ Công Thuyết. Bà Trần Thị Đích tiếp tục được cử làm Tổng thư ký, ông Đào Bá Cự được cử làm Phó tổng thư ký, bà Nguyễn Thị Thịnh làm Thủ quỹ, bà Lê Thu Trà làm Trưởng ban Thanh thiếu niên.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV đã dược tổ chức ngày 10-11/12/1971 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ sở Hội địa phương và Trung ương. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá IV gồm 27 thành viên. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. 03 Phó chủ tịch gồm: bà Đinh Thị Cẩn, bác sĩ Nguyễn Văn Tín và giáo sư Trần Hữu Tước. Bà Trần Thị Đích tiếp tục được cử làm Tổng thư ký, bà Nguyễn Thị Thịnh làm thủ quỹ. Năm 1974, bác sỹ Vũ Đình Tụng qua đời[ Bác sỹ Vũ Đình Tụng giữ cương vị Chủ tịch Hội trong 28 năm liên tục, từ Đại hội lần thứ I năm 1946, có nhiều đóng góp trong xây dựng Hội, được đông đảo đồng nghiệp, cán bộ hội viên quý trọng, yêu mến.]. Bác sỹ Nguyễn Văn Tín, Phó chủ tịch Hội, Thứ trưởng Bộ Y tế được cử giữ chức Quyền Chủ tịch Hội.

Ngày 31/7/1976, Hội nghị hợp nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Hồng thập tự Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do bác sỹ Nguyễn Văn Tín, Quyền Chủ tịch Hội dẫn đầu và đoàn đại biểu Hội Hồng thập tự Cộng hoà miền Nam Việt Nam do giáo sư, bác sỹ Nguyễn Văn Thủ, Chủ tịch Hội, dẫn đầu.

Hội nghị đã thống nhất lấy tên gọi chung là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; quyết định đặt trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V

Ngày 10-12/3/1988, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 1988-1993, đã được tổ chức tại Hà Nội. 368 đại biểu chính thức được bầu chọn từ cơ sở đã về dự Đại hội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội với 60 thành viên. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Anh hùng lao động, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Viện trưởng Viện Mắt Trung ưong được bầu làm Chủ tịch Hội. 02 Phó Chủ tịch gồm: giáo sư, tiến sỹ Đoàn Xuân Mượu (kiêm Tổng thư ký) và bác sỹ Lê Công Tâm. Phó tổng thư ký (kiêm Trưởng ban Đối ngoại) là bác sỹ Đỗ Đức Đương. 03 uỷ viên thường trực là bác sỹ Nguyễn Thị Hội, bác sỹ Nguyễn Trọng Oánh và bác sỹ Nguyễn Thị Tuyết. Trong số 60 uỷ viên, có 07 ủy viên là đại diện chuyên trách ở Trung ương Hội, 35 đại diện cho các tỉnh, thành Hội, 02 đại diện cho các quận, huyện Hội, và 16 đại diện cho các bộ, ban ngành, đoàn thể. Có 05 đại diện cho các tỉnh chưa tiến hành được Đại hội sẽ được bổ sung.

Đại hội toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 1995-2001, được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 17/3/1995. 315 đại biểu chính thức, trong đó có 283 được bầu chọn từ các tỉnh, thành, 32 đại biểu được chỉ định đã về dự Đại hội. Đại hội đã hiệp thương dân chủ bầu cử Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương Hội khoá VI. Ban Chấp hành gồm 119 vị, trong đó: cơ quan Trung ương Hội 13 vị, các tỉnh thành Hội 52 vị, quận huỵện Hội 6 vị, bộ, ngành, đoàn thể 6 vị, công thương gia 27 vị, đại diện các tôn giáo 7 vị, nhân sỹ trí thức, nhà hoạt động xã hội tiêu biểu 8 vị. Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm 15 vị. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế được bầu làm Chủ tịch Hội. 03 Phó chủ tịch gồm: bác sỹ Lê Công Tâm, giáo sư Nguyễn Thị Hội và giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Hường (kiêm Tổng thư ký). Phó tổng thư ký là ông Nguyễn Thiệp, 10 uỷ viên Thường vụ gồm: Nguyễn Kim Chung, Trần Văn Đỉnh, Nguyễn Hải Đường, Nguyễn Văn Hạp, Trần Tiến Hoàng, Nguyễn Kim Hùng, Hoàng Liễn, Nguyễn Văn Pôn, Trần Đức Thuần và Vũ Xuân Ước. Đại hội đã đề nghị và được Tổng bí thư Đỗ Mười đồng ý nhận làm Chủ tich danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Đại hội toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII

Diễn ra từ ngày 07-09/8/2001, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII. Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.

Ngày 31/7/2003, Ban Chấp hành Trung ương Hội (kỳ họp thứ 4) đã cử Giáo sư TSKH. Nguyễn Văn Thưởng làm Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ngày 20/9/2005, Đại hội thi đua yêu nước Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ II. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đại hội toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VIII

Ngày 28-29/6/2007, đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VIII. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tiếp tục làm Chủ tịch danh dự của Hội. Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Đại hội toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IX

Ngày 4 và 5/7/2012, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IX, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội. Ông Nguyễn Hải Đường được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

ttxvn-chu-thap-do-1661247291.jpg
 Đại hội toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ X

Đại hội toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ X

Ngày 15 và 16/8/2017, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ X, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Tháng 01/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng phân công làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

(Trích lịch sử Hội Chữ thập đỏ Việt Nam).

PV