Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa tích cực tuyên truyền về biểu tượng Chữ thập đỏ

Tấm Thanh Hóa
“Trong tất cả các hoạt động: hội nghị, tập huấn, các sự kiện và chương trình phối hợp..., Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Thanh Hóa đều sử dụng biểu tượng CTĐ, cán bộ hội được quy định mặc áo in logo CTĐ hoặc đeo phù hiệu CTĐ, treo băng cờ, khẩu hiệu có in biểu tượng CTĐ... Đây chính là một cách tuyên truyền rât hiệu quả về biểu tượng CTĐ mà tỉnh hội CTĐ Thanh Hóa sử dụng trong nhiều năm qua nhằm tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng, người dân về biểu tượng, biểu trưng CTĐ”. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Thanh Hóa.

Hiện nay, mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng C, tuy nhiên, biểu tượng CTĐ vẫn xuất hiện khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực không thuộc hoạt động Chữ thập đỏ, phổ biến nhất là ngành y tế (các cơ sở y tế, cửa hàng thuốc tân dược, xe cấp cứu, quảng cáo liên quan đến chăm sóc sức khỏe...), các sản phẩm hàng hóa, biển quảng cáo, biển báo… Nghiêm trọng hơn, một số đơn vị, nhóm người, cá nhân mạo danh Hội C sử dụng biểu tượng C để vận động quyên góp, bán hàng “từ thiện”. Chính vì vậy, tuyên truyền về biểu tượng CTĐ tới cộng đồng là hoạt động vô cùng cần thiết nhằm ngăn chặn những hành vi, hoạt động lợi dụng biểu tượng CTĐ, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Hội CTĐ và gây mất niềm tin của cộng đồng với hội CTĐ và các hoạt động nhân đạo, từ thiện của CTĐ.

image0-8-1662816422.jpeg
Biểu tượng CTĐ được xuất hiện nhiều tại các sự kiện của Hội CTĐ tỉnh Thanh Hóa (trên phông chữ, bảng trao hỗ trợ và trên áo của cán bộ CTĐ)

Tại Thanh Hóa, trong nhiều năm qua, Hội CTĐ các cấp đã luôn giữ gìn và phát huy biểu tượng CTĐ. Mỗi chương trình, mỗi sự kiện mà CTĐ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đều được tuyên truyền rộng rãi, lồng ghép với việc tuyên truyền về biểu tượng, biểu trưng CTĐ qua việc in và treo cờ CTĐ, băng giôn, biểu ngữ có in biểu tượng CTĐ tại nơi diễn ra sự kiện và xung quan khu vực diễn ra sự kiện. Điều này đã trở thành một dấu ấn, một điểm nhấn và dần trở thành thương hiệu của CTĐ trong lòng nhân dân. Nhìn thấy biểu tượng CTĐ xuất hiện là biết được Hội CTĐ chuẩn bị tổ chức hoạt động, sự kiện với ý nghĩa nhân văn, mang lại lợi ích cho cộng đồng như: Các chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, chương trình hiến máu tình nguyện, chương trình tặng quà nhân đạo, chương trình tập huấn sơ cấp cứu, tập huấn công tác phòng ngừa ứng phó thảm họa, rủi do thiên tai…

Về mặt pháp lý: Ngày 3 tháng 6 năm 2008, Luật hoạt động Chữ thập đỏ đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ III và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Tại Chương III (điều 14, 15 & 16) của Luật hoạt động Chữ thập đỏ có quy định:

Điều 14 quy định: “Biểu tượng chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tuợng chữ thập đỏ đựợc tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này”.

Điều 15 quy định về việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ: “Biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động chữ thập đỏ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ. Khi có xung đột vũ trang, biểu tuợng chữ thập đỏ được sử dụng theo quy định của các công ước Gio-ne-vo có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là thành viên".

Điều 16 quy định về Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ: “Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài thuộc Phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sử dụng ở Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ”.

image1-4-1662816428.jpeg
Biểu tượng CTĐ luôn đồng hành cùng CTĐ Thanh Hóa đến với người dân (trên túi quà, trên phong bì trao tiền hỗ trợ và trên áo của cán bộ CTĐ)

Và trong thực tế hiện nay, biểu tượng CTĐ hiện đang bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau: Sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức hoạt động CTĐ nhưng sử dụng biểu tượng CTĐ và biểu trưng của Hội CTĐ Việt Nam); bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng CTĐ, biểu trưng Hội CTĐ Việt Nam gây nhầm lẫn); mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng CTĐ, biểu trưng Hội CTĐ Việt Nam) để trục lợi. Thực tiễn cho thấy việc bảo vệ biểu tượng CTĐ vô cùng khó khăn, một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của biểu tượng, hơn nữa sự nổi tiếng của các biểu tượng này khiến nó dễ bị lạm dụng.

Vì vậy, bảo vệ biểu tượng CTĐ cũng chính là vì lợi ích của cộng đồng. Việc tuyên truyền và bảo vệ biểu tượng, biểu trưng CTĐ là vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển của Hội CTĐ các cấp, khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của Hội CTĐ với sự nghiệp Nhân đạo, trong sự phát triển chung của toàn xã hội.

Trong thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa nhằm tuyên truyền về biểu tượng CTĐ tới cộng đồng. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Hộị sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức phát động cuộc thi tìm hiểu về lịch sử hình thành Hội CTĐ và biểu tượng, biểu trưng CTĐ dành cho tất cả các em học sinh trong tất cả các nhà trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cuộc thi sẽ là dịp để Hội CTĐ Thanh Hóa tuyên truyền sâu rộng tới các em học sinh, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh về Hội CTĐ và biểu tượng, biểu trưng CTĐ với những ý nghĩa nhân văn cao đẹp./.

Tâm Ánh - Phương Nguyễn