Hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được quy định trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Nguyễn Hồng Hạnh
Cảnh sát biển Việt Nam ngoài chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là duy trì thực thi pháp luật, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa; đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa… còn có nhiệm vụ thường xuyên, không kém phần quan trọng là tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiên tai, sự cố trên biển và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường biển.

Việt Nam nằm trong khu vực Biển Đông - một trong những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai, bão, lũ do biến đổi khí hậu gây nên. Thời tiết, khí hậu, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, hoạt động hàng hải, nghề cá có chiều hướng gia tăng, phát triển kinh tế biển ngày càng diễn ra nhộp nhịp. Tình hình an ninh phi truyền thống trên biển luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường từ cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền đến tranh chấp ngư trường, đánh bắt trái phép thủy hải sản.

Qua theo dõi, thống kê các vụ tai nạn hàng hải gần đây do lực lượng chức năng của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trực tiếp triển khai thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho thấy, số vụ tai nạn hàng hải xảy ra có chiều hướng ngày một tăng và hậu quả ngày càng nghiêm trọng bởi các lý do về sự biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết không theo qui luật; ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn hàng hải của các công ty, doanh nghiệp vận tải biển, chủ các phương tiện và một bộ phận ngư dân, nhân dân làm ăn trên biển chưa nghiêm, chủ quan, vì lợi nhuận trước mắt nên bất chấp các quy định về công tác đảm bảo an toàn hàng hải, cũng như cảnh báo về thiên tai, tai nạn... vẫn cho tàu hoạt động. Bên cạnh đó, công tác quản lý của các lực lượng chức năng liên quan đối với việc cho phép các phương tiện hoạt động còn lỏng lẻo; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các lực lượng trong việc chia sẻ thông tin, xử lý thông tin và trong phối hợp triển khai tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có vụ việc xảy ra trên biển chưa chặt chẽ...

Khó khăn trong công tác tìm kiếm cứu nạn là thời tiết hiện nay thay đổi rất thất thường, không theo quy luật nào. Ngoài ra, sự cố ngư dân bị nạn thường khá bất ngờ, không kể đêm ngày, có thể ảnh hưởng đến thời gian ứng cứu và xử lý sự cố trong những điều kiện phức tạp. Vùng biển mà đơn vị quản lý cũng khá rộng, ngư dân thường bị nạn trên vùng biển xa bờ, thời gian từ khi lực lượng chức năng tiếp nhận thông tin đến khi tiếp cận khá dài gây khó khăn cho công tác cứu nạn cứu hộ.

image001-1662517941.jpg
Ảnh: canhsatbien.vn

Cứu nạn là việc làm cần thiết và cấp bách, thông qua các hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa tính mạng của họ đến nơi an toàn.

Tại khoản 3, điều 8, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định: "....Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển" là một trong những nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Qua đó có thể thấy, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngoài chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là duy trì thực thi pháp luật, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa; đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa… còn có nhiệm vụ thường xuyên, không kém phần quan trọng là tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiên tai, sự cố trên biển và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường biển.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên các vùng biển; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương 28 tỉnh, thành ven biển triển khai có hiệu quả công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc.

Với tinh thần không quản ngại nguy hiểm, tất cả “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn đi đầu, có mặt kịp thời ở nơi xảy ra thiên tai, sự cố, thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, trong ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục tăng cường thực hiện một số công tác như: Tổ chức trực cứu hộ cứu nạn 24/24 giờ trong ngày từ cơ quan xuống các đơn vị. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình an ninh, an toàn, thời tiết biển, tăng cường khả năng dự báo, thu nhận và xử lý thông tin an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất khi có tình huống xảy ra.

Tăng cường huấn luyện và luyện tập các phương án, các tình huống bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ cứu nạn, phòng chống bão lụt để nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành và khả năng cơ động xử lý tình huống của lực lượng trong các điều kiện khó khăn phức tạp.

image002-1662518016.jpg
Ảnh: canhsatbien.vn

Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh, các tàu Cảnh sát biển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển chủ động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về cứu hộ cứu nạn từ đó nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi người về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Cứu hộ, cứu nạn trên biển là một trong những nhiệm vụ thường xuyên mà lực lượng Cảnh sát biển đảm nhiệm trên vùng biển Việt Nam. Để có được thông tin, nhanh chóng tiếp cận với tàu gặp nạn hay các vụ việc xảy ra trên biển, trong những năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng với 7 quốc gia trong khu vực liên quan đến Biển Đông, duy trì hoạt động Trung tâm chia sẻ thông tin với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia.

Một chuyến hàng hải an toàn luôn là mong ước của tất cả người đi biển.

Tìm kiếm cứu nạn trên biển là hoạt động thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả của mọi tổ chức, cá nhân, đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi quốc gia, nhất là đối với các quốc gia có biển.

Cùng với nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, cán bộ-chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển còn duy trì trực sẵn sàng thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Sự có mặt kịp thời ứng cứu nhân dân trong hoạn nạn của những người cảnh sát biển tạo niềm tin vững chắc để ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển vươn khơi.