Hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ học sinh 'trộm cắp tài sản' tại TP Pleiku

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Chiều ngày 2/5 vừa qua, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án của Trần Ngọc Thuận (SN 2001, trú tại phường Trà Bá) ra xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của bị cáo.

Tại phiên tòa ngày 2/5/2018, dù Hội đồng xét xử đã triệu tập rất nhiều người tham gia tố tụng song chỉ xuất hiện HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát, luật sư chỉ định bào chữa cho bị cáo và mẹ con bị cáo, không hề có người bị hại và người làm chứng.

Bà Lê Thị Thanh Tâm (SN 1970), mẹ của bị cáo, đã đề nghị được hoãn phiên tòa để cháu Thuận yên tâm thi học kỳ II (hiện Thuận đang là học sinh lớp 11 của một trường PTTH trên địa bàn).

Đồng thời yêu cầu tòa phải triệu tập đầy đủ những người có tên trong danh sách triệu tập. Việc này đều được luật sư chỉ định và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đồng tình nên HĐXX phúc thẩm đã quyết định hoãn phiên tòa, dự kiến ngày 28/5/2018 sẽ xử lại. 

"Mấy ngày trước, tôi đã làm đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do con tôi đang bận ôn thi học kỳ II nhưng chẳng hiểu sao Hội đồng xét xử không đồng ý", mẹ Thuận là bà Lê Thị Thanh Tâm (SN 1970) bức xúc nói. 

Trước đó, ngày 11/01/2018, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt học sinh này 6 tháng tù treo về tội "trộm cắp tài sản".

Theo cáo trạng, khoảng 13 giờ ngày 6/8/2017, Thuận đi bộ đến chơi tại làng Ia Lang, phường Chi Lăng thì phát hiện chiếc xe máy biển số 81T3-2695 của chị Blĩu (SN 1991) để dưới gốc cây. Thấy chìa vẫn cắm ở ổ khóa và không có ai trông coi, Thuận đã nảy sinh ý định trộm cắp nên đã nổ máy xe bỏ chạy. 

Chị Blĩu nghe tiếng xe nổ máy liền chạy lên thì thấy Thuận đang điều khiển xe chạy được 30m nên truy hô “cướp, cướp’’. Lúc này, anh Lê Vi (SN 1999), trú tại làng Khưn, phường Trà Bá đang đi trên đường liền đuổi theo Thuận. Do đường trơn trượt nên Thuận chạy thêm được gần 100m thì bị ngã xe và bị anh Vi và một số người khác bắt giữ, rồi đưa lên Công an phường Chi Lăng. Kết quả giám định tài sản thể hiện, chiếc xe máy tang vật có giá trị 6 triệu đồng. Ngày 20/9/2017, Thuận bị khởi tố vì hành vi trộm cắp tài sản và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sau đó, Viện Kiển sát nhân dân (KSND) thành phố Pleiku kết luận rằng hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị 6 triệu đồng như đã nêu của bị can Thuận là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, xâm phạm trật tự trị an xã hội nên quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Pleiku để xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”. 

Vụ án có nhiều điểm khó hiểu đó là cháu Thuận có nhiều tình tiết được loại trừ trách nhiệm hình sự như chưa đủ 18 tuổi, ở trường là học sinh có đạo đức tốt, phạm tội ít nghiêm trọng, gia đình có công với cách mạng, phạm tội lần đầu.

Ngoài ra, bị hại Blĩu không hề báo Công an, không yêu cầu bồi thường cũng như không yêu cầu pháp luật xử lý Thuận; Công an phường Chi Lăng thì lấy lời khai cháu Thuận hơn 6 tiếng đồng hồ mà không có người giám hộ.

Ông Nguyễn Minh Tường, Đoàn Luật sư Bà Rịa Vũng Tàu, cho rằng: Việc công an lấy lời khai đối với cháu Thuận - người chưa thành niên mà không có người giám hộ thì chắc chắn là vi phạm tố tụng. Ngoài ra, với các tình tiết về nhân thân thì cháu Thuận nên được áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục ở bất kỳ thời điểm nào của quá trình tố tụng của vụ án, bất kể là ở giai đoạn điều tra, truy tố, hay xét xử và do cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ việc có thẩm quyền áp dụng.

Khoản 4 Điều 91 của BLHS năm 2015 cũng thể hiện, khi xét xử người dưới 18 tuổi, Tòa án trước hết phải cân nhắc khả năng áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục. "Để bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên như cháu Thuận, các cơ quan tư pháp tỉnh Gia Lai cần sớm đưa em ra khỏi vòng tố tụng, cần xem xét, áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự càng sớm càng tốt", luật sư Tường nói.

                                                                                                                          

Tùy Phong