Hình thành thói quen hiến tóc, lan tỏa hành động đẹp truyền cảm hứng tới cộng đồng

Đặng Thu Hằng
Ngày11/6, Hội chữ thập đỏ các tỉnh cụm Trung bộ đã có chuyến thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm tại Bệnh viện trung ương Huế.

Tham dự có ông Trần Sỹ Pha - Trưởng Ban Công tác Xã hội – Quản lý thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; bà Nguyễn Lương Hồng - Ủy viên BCH Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, Cụm phó Cụm thi đua Trung bộ; Tiến sĩ, bác sĩ Mai Đình Điểu, Phó Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế cùng các đồng chí trong Thường trực Hội Chữ thập đỏ các các tỉnh thuộc Cụm Trung bộ, các huyện, thị, thành Hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Ngân hàng Máu sống cố đô, đại diện các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

tang-toc-cho-benh-nhan-ung-thu-tai-bv-trung-uong-hue-2-1718638105.jpg
Tặng tóc cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại chương trình, các đại biểu được lắng nghe các báo cáo về kết quả triển khai công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người, công tác hiến máu tình nguyện tại bệnh viện Trung ương Huế; báo cáo kết quả triển khai mô hình hiến tóc “Nón Hồng xứ Huế”.

Theo Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống Cố đô – Nguyễn Công Đức, tại Ngày hội hiến tóc "Nón hồng xứ Huế" mới đây, ban tổ chức chương trình đã tiếp nhận 370 bộ tóc hiến đạt chuẩn từ hơn 400 người đăng ký tham gia. Nguồn tóc này gửi đến Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam dệt tóc tặng Thư viện tóc cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.

“Từ kết quả phản hồi tích cực nên chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức ngày hội nhiều lần trong năm, kết nối các nguồn lực hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư, hình thành thói quen hiến tóc, kết nối và lan tỏa hành động đẹp truyền nguồn cảm hứng đến cộng đồng”, ông Nguyễn Công Đức cho hay.

Không chỉ thế, hoạt động hiến máu nhân đạo, hiến máu hiếm nhận được sự tham gia đông đảo trong người dân với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Hội đã rất nỗ lực trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân… từ đó tạo nên sự hưởng ứng mạnh mẽ trong các phong trào; khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta. Từ năm 2018-2024, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận được trên 160 nghìn đơn vị máu; Vận động được 45 người đăng kí hiến mô, hiến tạng; 800 người tham gia hiến tặng tóc”.

Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bệnh viện trung ương Huế đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2024-2030.

ki-ket-voi-benh-vien-tw-hue-1718638805.jpg
Lễ  ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2024-2030.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế trích từ nguồn Quỹ Nhân đạo trao tặng 20 suất quà cho 20 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng. Bệnh viện Trung ương Huế trao tặng 22 bộ tóc giả cho 22 bệnh nhân ung thư. Trao 5 thẻ ghi nhận những cá nhân tình nguyện hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người.

tang-toc-cho-benh-nhan-ung-thu-tai-bv-trung-uong-hue-1718638105.jpg
Tặng tóc cho bệnh nhân ung thư tại bệnh viện Trung ương Huế.

Tại buổi làm việc, các đại biểu ở các tỉnh thành cũng đã chia sẻ kết quả, kinh nghiệm trong hoạt động của Hội Chữ thập đỏ đơn vị, trong đó có vướng mắc khó khăn về kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng. Theo thống kê mới nhất, tạng hiến từ người chết não mới chỉ chiếm 6%; tạng hiến từ người sống chiếm 94%. Trong khi ở các nước châu Âu, Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, nguồn hiến tạng từ người chết não chiếm 60%-90%.

TS.BS Mai Đình Điểu, Phó Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế nhấn mạnh việc triển khai hoạt động ghép tạng từ năm 2001 đến nay đơn vị được đánh giá là một trong bốn bệnh viện trong toàn quốc ghép hơn 1.000 ca/năm.

Đồng thời quy trình, lấy-ghép được đánh giá bài bản, trong đó nổi bật là những ca ghép tạng xuyên Việt tạo dấu ấn trong lĩnh vực này. Bệnh viện trung ương Huế đã triển khai hơn 1.800 ca ghép mô, tạng; tỷ lệ ghép tạng thành công cao của cả nước.

Bên cạnh đó, TS.BS Mai Đình Điểu đã chia sẻ mô hình, kinh nghiệm hoạt động của hiến, ghép mô tạng tại đơn vị, nhấn mạnh sự chủ động, kích hoạt hệ thống sớm, hiệp đồng “tác chiến” giữa các bộ phận hiệu quả. Hoạt động hiến máu tình nguyện đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Trần Sỹ Pha, trưởng Ban Công tác Xã hội – Quản lý thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Hội chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội kịp thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người, hiến tặng tóc cho bệnh nhân ung thư.

“Trung ương Hội rất quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng hiến mô tạng sau chết não. Đây là hoạt động trọng tâm trong giai đoạn tới. Chúng tôi trân trọng đề nghị Hội Chữ thập đỏ các tỉnh thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nội dung công văn 375 mà Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ký ban hành. Hội Chữ thập đỏ trong các tỉnh, thành, cụm thi đua chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay nhằm đưa hoạt động lớn mạnh, phong trào lan tỏa trong cộng đồng”, ông Pha lưu ý.

dc-tran-si-pha-3-1718638106.jpg
Ông Trần Sĩ Pha - Trưởng Ban Công tác Xã hội – Quản lý thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Ông Trần Sỹ Pha bày tỏ tin tưởng việc ký kết chương trình phối hợp hai đơn vị sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đầy ý nghĩa này trong thời gian tới.

Tường Vi