Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về triển khai Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tích cực vận động các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân, các cán bộ, hội viên tham gia. Với sự vận dụng linh hoạt, gắn đối tượng cụ thể, Cuộc vận động triển khai với nhiều hình thức trợ giúp thiết thực, giúp người nghèo ổn định cuộc sống trong đó ưu tiên các đối tượng khó khăn là các cựu chiến binh, phụ nữ có con nhỏ, hộ có người tàn tật, người già ốm đau.
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 277 km, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao 28,75% (tổng số hộ toàn tỉnh 173.656 ). Toàn tỉnh còn 6/11 huyện, thành phố nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như hạn hán, lũ quét, lũ ống, ngập lụt, sạt lở đất đá… Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, điều kiện sinh hoạt…
Xác định mục tiêu cốt lõi của Cuộc vận động là trợ giúp đối tượng kịp thời, thiết thực, theo hướng phát triển bền vững với tinh thần" mọi người cần trợ giúp đều nhận được sự trợ giúp thích hợp", tỉnh Hội chọn phương án xây nhà Chữ thập đỏ là 1 trong 5 mô hình công tác xã hội nhân đạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh lần thứ VI với tên gọi Phong trào “làm nhà Chữ thập đỏ”. Mục tiêu phấn đấu mỗi năm hỗ trợ làm được từ 55 nhà trở lên.
Cuộc vận động này không chỉ trong phạm vi tổ chức Hội mà kêu gọi sự chung sức của mỗi tập, mỗi cá nhân tham gia. Hà Giang có 33 xã biên giới giáp với Trung Quốc, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình chưa đủ miếng ăn nên để làm được ngôi nhà chắc chắn là mơ ước của họ. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào, bằng nhiều cách khác nhau, Hội Chữ thập đỏ đã phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí làm nhà Chữ thập đỏ. Hội đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh, phối hợp với lãnh đạo địa phương, chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ huyện khảo sát nhu cầu, bình xét hộ hưởng lợi, lập danh sách cụ thể. Tổ chức họp, thống nhất với nhân dân về cách thức triển khai làm nhà; thống nhất tiêu chí “cứng nền, bền mái, cứng tường”.
Trong những năm qua, hàng trăm căn nhà chữ thập đỏ đã được xây dựng lên. Có nhiều hộ gia đình chia sẻ: khi chưa nhận được hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ, họ không biết khi nào mới có ngôi nhà chắc chắn để yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, mọi người xung quanh cũng không thể giúp đỡ. Khi có nguồn hỗ trợ của Chữ thập đỏ, của các nhà tài trợ, những ngôi nhà do Chữ thập đỏ vận động hỗ trợ trở nên có giá trị vô cùng lớn lao.
Những ngôi nhà được trao tặng nó không chỉ đơn thuần là tài sản có giá trị, là chốn đi về, che nắng, che mưa của gia đình mà còn là nơi chứa đựng tình cảm của những người làm công tác nhân đạo, là sự sẻ chia của cộng đồng, của tình làng nghĩa xóm đối với những hộ gia đình còn khó khăn về nhà ở.
Năm 2012, Hội đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng Kế hoạch hỗ trợ “Mái ấm Chữ thập đỏ – Biên phòng” cho đồng bào các xã vùng biên giới. Bằng tình cảm, trách nhiệm của những người lính Biên phòng gắn bó với biên giới, với quê hương, các anh bộ đội biên phòng đã cùng nhân dân hỗ trợ hộ gia đình được hưởng lợi san nền, bó móng, mua cột, làm nhà cùng với 15 – 20 triệu đồng tiền hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ, những ngôi nhà khang trang đẹp đẽ đã được dựng lên trong tình quân dân gắn bó với trị giá gấp 5, gấp 7 lần nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu.
Đồng hành với mô hình này, Quỹ Thiện tâm – tập đoàn Vingoup hỗ trợ đồng bào thuộc 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần xây dựng 38 căn nhà (trị giá 50 triệu đồng/nhà); Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng công trình 70 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (tháng 11/2016) cho 70 hộ gia đình 70 căn nhà, 70 téc nước và 70 con bò cho đồng bào xã Ngọc Minh – huyện Vị Xuyên. Tổng trị giá trên 7 tỷ đồng: Trong đó T.Ư Hội hỗ trợ 4,82 tỷ đồng; đối ứng của địa phương hơn 1 tỷ đồng; hộ gia đình đóng góp ngày công, tiền trên 1,3 tỷ đồng .
Năm 2018 Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch danh dự Hội CTĐ Việt Nam đồng chí Trương Tấn Sang đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ kinh phí làm nhà cho Cựu chiến binh thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với số tiền 4 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 80 căn nhà. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến tháng 5/2018, Hội đã lựa chọn được 80 hộ, trong đó huyện Vị Xuyên có 58 hộ, thành phố Hà Giang có 22 hộ. Sau một thời gian phối hợp với UBND huyện Vị Xuyên và Thành phố Hà Giang triển khai thực hiện, những nguồn hỗ trợ đã được giải ngân đến các hộ gia đình CCB, những ngôi nhà mới đã được dựng lên.
Cùng với đó, năm 2018 tỉnh Hội Hà Giang đã vận động cá nhân tổ chức thực hiện xây dựng 40 nhà do Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, Chi Hội tán trợ CTĐ tình người thành phố Hà Nội hỗ trợ cho 40 hộ gia đình khó khăn về nhà ở tại huyện Quang Bình, Đồng Văn, Bắc Quang trị giá 1,2 tỷ đồng; các cấp Hội trong toàn tỉnh vận động xây dựng được 54 nhà mới trị giá 1,9 tỷ đồng, sửa chữa 20 nhà trị giá 300 triệu đồng. Tổng trị giá 3,4 tỷ đồng.
Mỗi ngôi nhà, mỗi công trình mọc lên là niềm vui, của những người làm công tác nhân đạo. Đó cũng là niềm động viên để cán bộ Hội Chữ thập đỏ Hà Giang quyết tâm triển khai thật tốt mô hình xây dựng nhà Chữ thập đỏ và đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động này.
Giống như mô hình xây dựng “Nhà Chữ thập đỏ”, Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, để nhận trợ giúp, đỡ đầu cho các địa chỉ cụ thể. Kết quả trong 10 năm 2008- 2018 đã có 12.520 địa chỉ được trợ giúp, đỡ đầu lâu dài và theo thời điểm với trị giá gần 40 tỷ đồng.
Từ những kết quả nêu trên, Hà Giang nhận thấy, để triển khai thực hiện có hiệu quả nhà CTĐ và Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, cần quan tâm một số giải pháp như sau:
Một là: Tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo của các Cấp ủy, Chính quyền các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Mà muốn vậy cán bộ Hội CTĐ các cấp phải chủ động trong việc tham mưu để có sự chỉ đạo đồng bộ, toàn diện.
Hai là: Làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương để tạo thành khối thống nhất, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình hoạt động hướng về cộng đồng, về những khó khăn của người dân, của địa phương để cùng giải quyết, tháo gỡ, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước tại địa phương;
Ba là: Phải lấy đối tượng còn khó khăn là trung tâm để tìm hiểu, đánh giá xác định những khó khăn bức xúc, nguyện vọng của họ, đồng thời chú trọng khâu bình xét đối tượng hưởng lợi, khả năng tiếp nhận của đối tượng, địa phương để có biện pháp hỗ trợ giúp họ có thêm điều kiện để họ tự giúp mình, tự giải quyết vấn đề khó khăn, bức xúc của chính mình vươn lên, phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.
Bốn là: Phải có sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên để các công trình được triển khai thực hiện đúng tiến độ, các đối tượng được hưởng lợi thực sự là hộ gia đình, cá nhân đang gặp khó khăn, cần được giúp đỡ.
Năm là: Lựa chọn những địa phương làm tốt, những cách làm hay để phổ biến, nhân rộng trong toàn Hội. Lấy kết quả thực hiện các hoạt động này làm tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng hàng năm để ghi nhận, biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, có sáng tạo.