Truyền máu giúp cứu sống được hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Nó có thể giúp những bệnh nhân cần truyền máu kéo dài sự sống. Tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi người không chỉ nhận về niềm vui khi có thể góp phần cứu sống người khác mà còn nhận được rất nhiều lợi ích cho chính bản thân mình.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam cần khoảng 2 triệu đơn vị máu dùng cho điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, cho người mắc các bệnh cần truyền máu… Cứ mỗi 2 giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình cứ 7 người vào bệnh viện thì có 1 người cần tiếp máu. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu này, nguồn máu dự trữ tại các trung tâm y tế và bệnh viện không đủ để cung ứng khi nhu cầu truyền máu tăng cao.
Hiện nay, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh đang ngày càng lan tỏa rộng khắp, được đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Trong đó có những người đã tham gia hiến máu rất nhiều lần. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Khuê, sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Mỗi lần tham gia hiến máu em thấy rất vui và hạnh phúc vì mình có thể góp phần giúp đỡ cho nhiều người bệnh đang cần máu. Chính vì vậy khi có đủ điều kiện sức khỏe, bất kể là thời gian nào em luôn sẵn sàng tham gia vào hoạt động ý nghĩa này”. Cùng chung cảm xúc, cô Đào Thị Xuân (52 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng hiến máu không những giúp cứu sống người bệnh cần máu mà còn mang lại nhiều lợi ích cho chính người hiến máu. Vì vậy, khi sức khỏe đáp ứng đủ điều kiện hiến máu cô sẽ tiếp tục hiến máu và vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hoạt động này.
Mỗi người khỏe mạnh đủ tiêu chuẩn hãy tham gia hiến máu cứu người. Ảnh: Đình Thi |
Máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Tất cả mọi người khỏe mạnh có độ tuổi từ 18 – 60; cân nặng từ 42 kg trở lên đối với nữ và 45 kg trở lên đối với nam; huyết sắc tố lớn hơn hoặc bằng 120 g/l; không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu… đều có thể hiến máu. Hiến máu theo đúng hướng dẫn không có hại cho sức khỏe, do những thành phần của máu có đời sống nhất định và được thay thế thường xuyên. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học và thực tiễn đời sống.
Bác sĩ Vũ Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh khẳng định, tham gia hiến máu tình nguyện, người hiến máu không chỉ góp phần cứu người mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cho bản thân người hiến. Việc hiến máu thường xuyên, nhất là khi tuổi còn trẻ, góp phần làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, nhờ đó giúp giảm tỷ lệ xuất hiện các cơn đột quỵ và các bệnh tim mạch. Sau hiến máu các thành phần máu được hồi phục gần như bình thường. Khi hiến máu, việc thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài đảm bảo chức năng tốt hơn. Cùng với đó, khi tham gia hiến máu tình nguyện, người hiến máu được khám, tư vấn sức khỏe và làm một số xét nghiệm máu miễn phí, sàng lọc một số bệnh lý nguy hiểm để kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe hoặc có các can thiệp y tế chuyên sâu hơn; được đảm bảo an toàn truyền nhiễm và bí mật thông tin cá nhân... Đặc biệt, người hiến máu sẽ được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Không chỉ có giá trị tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu còn có giá trị bồi hoàn máu miễn phí trong trường hợp người hiến máu cần truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.
Kim Oanh - Võ Quỳnh