Máu là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta. Hằng ngày, hằng giờ, trên cả nước luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không có đủ máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu. Chỉ cần hiến một phần máu của mình bạn đã cứu được nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu. Mỗi giọt máu là biểu hiện của sự sống và tiếp sức cho sự sống. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương, là tinh thần “đồng bào” cao đẹp.
Chúng ta có thể nhường cơm xẻ áo cho người nghèo, cho trẻ em mồ côi, những người hoạn nạn được thì hãy đừng ngần ngại khi hiến một phần máu trong cơ thể mình cho những người bệnh đang ngày đêm trông đợi hành động của chúng ta. Hiến máu nhân đạo cứu người là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng; thể hiện sâu sắc truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Người bệnh được truyền máu không chỉ được tiếp nhận vào cơ thể mình một loại thuốc quý mà còn được đón nhận cả tình thương bao la của đồng loại.
Ngoài việc cứu sống tính mạng con người, hiến máu còn mang lại sức khoẻ cho chính người hiến máu. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu theo hướng dẫn của bác sỹ có lợi cho sức khỏe, nếu một người mất đi 10–15% lượng máu thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể vì ngay lúc đó máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong tuần hoàn máu. Khi tham gia hiến máu, máu của chúng ta được đổi mới hằng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc. Hiến máu là cách tự kiểm tra và giám sát sức khoẻ của mình.
Quyền lợi của người tham gia hiến máu là được khám và tư vấn sức khoẻ miễn phí để đảm bảo bạn đủ cân nặng, huyết áp bình thường, không bị mắc các bệnh về tim mạch, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét… Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Ngoài ra, người hiến máu được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành, đặc biệt được cấp Giấy Chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, Giấy Chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu). Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu.
Các bác sỹ khuyến cáo, nhằm đảm bảo sức khỏe, sau khi hiến máu, nên uống nhiều nước, không nên lao động nặng trong 2 ngày đầu. Trong ngày đi hiến máu, nên hạn chế sử dụng rượu bia, cần tăng cường thức ăn bổ máu như thịt, cá, trứng, sữa, đậu tương… Khoảng cách giữa các lần hiến máu an toàn là 12 tuần 1 lần. Sau khi hiến máu nên tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa…; dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể. Việc cho và nhận máu đều được thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt, để đảm bảo tính an toàn cho cả người cho và người nhận.
Hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lợi ích của việc hiến máu nhân đạo, mọi người hãy cùng tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo- đó là hành trình để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn vì máu từ trái tim ta sẽ truyền đến trái tim của mọi người mang theo tình yêu thương nhân loại.
Nguyễn Trung