Hình thành “thói quen” hiến máu
Trung tâm máu Quốc gia (Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương) là nơi lúc nào cũng nườm nượp người dân đủ mọi lứa tuổi đến đăng ký hiến máu. Bất kể ngày lễ Tết, trong các dịp lễ hội hay ngày thường, không khí luôn sôi động, mỗi người dân tới đây lại lan toả thêm niềm vui khi hiến máu tình nguyện đã trở thành một “nếp sống” đẹp của mỗi người.
Tham gia hiến máu từ năm 2018, đến nay bà Trần Thị Mai (ở Long Biên, Hà Nội) đã hiến tới hơn 20 lần, đều đặn, chưa từng bỏ lịch. Đặc biệt, lần này bà đã chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ thật tốt, trò chuyện với nhân viên y tế ở đây nhiều hơn vì bà chỉ còn được hiến máu thêm 1 lần nữa là hết tuổi hiến máu theo quy định.
“Tôi sẽ chọn đi hiến máu đúng sinh nhật tuổi 60 của mình để làm được thêm một việc tốt. Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khoẻ, để có đủ điều kiện hiến máu đúng như nguyện vọng”, bà Trần Thị Mai hồ hởi.
“Nhóm máu của tôi là nhóm O, có thể rất nhiều người cần. Nhận thức được đây là việc có thể giúp ích cho đời nên tôi luôn duy trì đi hiến máu. Mỗi lần đủ sức khoẻ, tôi hiến tới 450ml máu”, bà Trần Thị Mai chia sẻ.
Bà Mai còn nhớ lần cùng đoàn thiện nguyện tới một thiền viện, gặp đúng dịp tại đây đang diễn ra chương trình hiến máu nhân đạo. Bà Mai đã tham gia hiến máu ngay, không đắn đo. Lần hiến máu đầu tiên đầy ý nghĩa đó, khiến bà cảm thấy trong tâm rất thanh thản và từ đó, bà quyết tâm hiến máu đều đặn.
Bà Mai nhớ lại: “Giai đoạn dịch bệnh, tôi không bỏ lịch hiến máu nào, dù rất sợ lây nhiễm bệnh khi đến nơi đông người. Đây là giai đoạn nhiều người cần máu điều trị nhất nên tôi vượt qua sự sợ hãi, đi hiến máu đều đặn. Tôi trang bị cẩn thận từ khẩu trang, sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách tuyệt đối theo sự hướng dẫn khi đi hiến máu. Tôi rất vui khi trong suốt giai đoạn dịch bệnh, tôi vẫn đóng góp được những giọt máu của mình, giúp người bệnh được điều trị kịp thời”, bà Mai tâm sự.
Là người trẻ, coi việc đi hiến máu như một niềm vui, trách nhiệm phải thực hiện, bạn Lê Đức Hải phấn khởi dẫn người yêu cùng đi hiến máu. “Cứ đến lịch hẹn là em bố trí công việc để tới Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương. Từ khi tham gia hiến máu đến nay, em luôn hiến nhắc lại đều đặn, vì đó là nguồn máu tốt nhất khi chính bản thân người hiến được theo dõi sức khoẻ. Cá nhân em cũng cố gắng tự chăm sóc bản thân để có sức khoẻ tốt”, Lê Đức Hải chia sẻ.
Trước kia từng không đủ cân nặng, sức khoẻ kém nhưng từ khi cố gắng để đủ điều kiện tham gia hiến máu, sức khoẻ của Hải đã được cải thiện rất nhiều, cân nặng đạt chuẩn. Hải cũng chưa bỏ lịch đi hiến máu nào.
“Lứa tuổi trẻ đang rất sung sức, việc tham gia vào phong trào hiến máu tình nguyện không chỉ là làm được thêm việc tốt mà còn cách để tự chăm sóc sức khoẻ của mình. Mỗi bạn trẻ có đủ điều kiện sức khoẻ nên xây dựng cho mình thói quen tốt là đi hiến máu thường xuyên”, Lê Đức Hải chia sẻ.
Thời gian gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện đã lan toả rộng khắp, người dân hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ, giảm đáng kể cảnh những người bệnh phải khắc khoải chờ máu điều trị.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đánh giá: “Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về ý thức của người dân trong hiến máu tình nguyện. Nếu trước kia đối tượng hiến máu chủ yếu là thanh niên, sinh viên, tham gia vào các lễ hội, dịp hiến máu lớn thì hiện nay đã lan rộng tới toàn thể cộng đồng, mọi tầng lớp người dân, từ cán bộ viên chức, lực lượng công an nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đến những người lao động bình thường, ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong quy định…Thực tế, vài năm trở lại đây, tình hình thiếu máu dịp hè và dịp Tết cũng không còn xảy ra như trước kia, về cơ bản chúng tôi luôn có đủ máu để cung cấp điều trị cấp cứu cho người bệnh tại các cơ sở y tế”.
Đặc biệt, Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4) ra đời, là cú hích mạnh mẽ, thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện. Đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cả xã hội với phong trào hiến máu tình nguyện.
Theo PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, hiện Việt Nam đã đạt tỷ lệ 1,5% người dân tham gia hiến máu, đạt mức trung bình, khá tốt so với thế giới. Hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, đặc biệt đây còn là nghĩa cử mà mỗi người dân thực hiện thường xuyên, hiến nhắc lại bền vững hàng năm theo yêu cầu của các trung tâm truyền máu.
Người hiến máu đến hiến theo lịch hẹn trên App Hiến máu.
Xây dựng nguồn máu diều trị chất lượng
Khi sự hưởng ứng của người dân đã giúp đảm bảo nguồn máu điều trị, việc hướng tới có nguồn máu an toàn, chất lượng rất quan trọng.
TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia cho biết: Máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Việc đảm bảo tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị là một trong những yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở truyền máu, là giải pháp quyết định để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho người bệnh do lây nhiễm các mầm bệnh.
Theo đó, việc hiến máu thường xuyên là mỗi người đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu, theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu, không chỉ trong những dịp kỷ niệm đặc biệt. Đây cũng là yếu tố giúp hoạt động hiến máu tình nguyện phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ, thiếu máu theo nhóm máu.
Những người hiến máu thường xuyên, luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe, đồng thời tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân người hiến máu và cả người bệnh được nhận máu. Vì vậy, máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất. Đặc biệt, máu chỉ có thời hạn bảo quản và sử dụng nhất định. Vì vậy, việc duy trì được lượng người hiến thường xuyên sẽ duy trì đều đặn được lượng máu dự trữ, không bị lãng phí nếu dư thừa không sử dụng hết khi người dân chỉ tập trung hiến tại các dịp lớn.
Đặc biệt, những người hiến máu thường xuyên là những người gắn bó với hoạt động hiến máu tình nguyện lâu dài. Các đơn vị y tế có thể kết nối với người hiến thường xuyên, qua đó có thể mời họ đến ngay khi người bệnh cần máu hoặc bị thiếu những nhóm máu của người đó. Khi có nguồn người hiến máu thường xuyên cũng sẽ giúp các bệnh viện chủ động hơn, xây dựng hoạt động hiến máu tình nguyện bền vững, không xảy ra câu chuyện thiếu máu thời vụ như trước kia.
Về việc xây dựng ý thức hiến máu thường xuyên, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh cho biết: "Chúng ta đã có những sản phẩm máu chất lượng hơn trước, đáp ứng tiêu chuẩn của khu vực cũng như trên thế giới. Việc tăng cường hiến máu nhắc lại và bền vững để người hiến máu có thể hiến máu theo đúng yêu cầu của Trung tâm máu Quốc gia và có thể hiến 2-4 lần/năm với hồng cầu và 15- 17/năm với tiểu cầu là rất quan trọng. Nhờ đó, tỷ lệ người hiến máu thường xuyên đã tăng lên đáng kể trong vài năm gần đây; đặc biệt tỷ lệ người hiến máu 350ml đã tăng lên tới trung bình là 80% tại Trung tâm máu Quốc gia".
Theo báo Tin tức