Ông Hồng Quang Minh, trợ lý truyền thông Công ty Viet Theatre (chuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật), đã trải qua nhiều ngày “quần quật” tại Hội chợ Du lịch thế giới London 2016. Viet Theatre chính là nhà sản xuất vở Tứ phủ. Hội chợ này vẫn được Tổng cục Du lịch nhiều nước, trong đó có VN đánh giá là một trong hai hội chợ du lịch lớn nhất thế giới. “Số lượng khách tăng đột biến. Gian hàng của Tứ phủ cũng đón lượng khách gấp rưỡi so với ngày đầu”, ông Minh cho biết.
“Tứ phủ là hầu đồng được nghệ thuật hóa”, đạo diễn Việt Tú kiêm nhà sản xuất chương trình nói. Chính vì thế, toàn bộ đạo cụ của chương trình đều được đúc bằng composite rồi mạ vàng theo nguyên gốc cửa võng hạc chầu VN. Những bộ quần áo cũng đều may thêu kỳ công, lộng lẫy. Toàn bộ đạo cụ khi mang sang London tuy không đủ nhưng cũng nặng tới 300 kg.
“Âm nhạc, trang phục là hệ giá trị lớn của đạo Mẫu, của hầu đồng”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoàng Loan nói. Đây cũng chính là điều mà đạo diễn Việt Tú đã khai thác để đưa vào Tứ phủ. Những vấn hầu được tái hiện với vẻ đẹp lộng lẫy, cầu kỳ đến mức nhà nghiên cứu đạo Mẫu - GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN, phải công nhận: “Làm đẹp lắm!”.
Show du lịch văn hóa
Từ góc độ du lịch, có một điều rất hay của Tứ phủ là không phải lúc nào du khách cũng có thể tham gia một buổi lễ của đạo Mẫu, vì thế, việc xem Tứ phủ như một sản phẩm du lịch tăng cơ may cho khách tiếp cận đạo Mẫu. Đó cũng là cách đẩy mạnh du lịch văn hóa và giới thiệu văn hóa Việt.
Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú không muốn dừng lại ở một vở diễn đơn thuần. Điều lớn hơn ông mong muốn là một sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch, là sản phẩm du lịch. Tại hội chợ London này, vở diễn cũng được quảng bá như một sản phẩm du lịch. “Mọi khán giả đều rất ngạc nhiên và xúc động khi biết ngoài múa rối nước, VN chúng ta còn có một hình thức nghệ thuật dân gian lộng lẫy và tinh tế như Hầu đồng - Tứ phủ. Tại hội chợ, nói đúng hơn là một trung tâm khổng lồ giới thiệu các nền văn hóa bản địa, Tứ phủ luôn đông khách quốc tế. Vở diễn mở rộng cửa để khách đến hội chợ cảm nhận văn hóa VN”, đạo diễn Việt Tú đánh giá.
“Vui nhất khi buổi chiều, đại diện ban tổ chức đến khen và mời Tứ phủ tham gia những hội chợ nằm trong chuỗi hội chợ du lịch tại châu Á. Vị đại diện này còn nói, nhờ VN nói riêng và các nước châu Á nói chung mà hội chợ trở nên nhiều màu sắc, đa dạng văn hóa và không cứng nhắc”, ông Minh nói.
Cũng nhờ phản hồi tốt ngoài dự kiến của khách tới hội chợ, ban tổ chức đã ngay lập tức đề nghị Tứ phủ tiếp tục tham gia các hội chợ du lịch khác cùng hệ thống nhà tổ chức. “Họ đề nghị hỗ trợ để chúng tôi tiếp tục xuất hiện những lần tới. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các tác phẩm văn hóa bản địa với du lịch thế giới. Nó tạo ký ức tốt đẹp cho chuyến đi, cho đất nước con người ta đã gặp”, ông Việt Tú chia sẻ. Nhà tổ chức cũng đã giới thiệu các cây bút chuyên viết du lịch có ảnh hưởng quốc tế để viết bài quảng bá cho sản phẩm văn hóa này. Nhiều kênh truyền hình Anh, Argentina, Mỹ đã quay và phỏng vấn ê kíp thực hiện Tứ phủ.
“Từ góc độ du lịch, có một điều rất hay của Tứ phủ là không phải lúc nào du khách cũng có thể tham gia một buổi lễ của đạo Mẫu, vì thế việc xem Tứ phủ như một sản phẩm du lịch tăng cơ may cho khách tiếp cận đạo Mẫu. Đó cũng là cách đẩy mạnh du lịch văn hóa và giới thiệu văn hóa Việt”, GS Thịnh nhận xét. Cá nhân ông coi đây là một vở diễn đã lược bớt phần nào yếu tố tâm linh của đạo Mẫu và nhấn mạnh vào yếu tố văn hóa của việc hầu đồng. Nhờ thế, hiệu ứng thị giác của Tứ phủ rất mạnh.
Sau hội chợ này, nhà sản xuất Tứ phủ dự kiến sẽ mở thêm việc bán vé trên mạng cho đối tác nước ngoài bên cạnh việc bán vé định kỳ cho các công ty lữ hành trong nước. “Chúng tôi chưa thể tiết lộ con số cụ thể, tuy nhiên, ngày đầu tiên của hội chợ chúng tôi đã ký được hợp đồng bán vé vở Tứ phủ diễn tại Hà Nội với đối tác nước ngoài”, ông Minh cho biết.
“Cho dù cuối năm nay hồ sơ đạo Mẫu mới được UNESCO xét duyệt chính thức nhưng sự ủng hộ di sản này của nhiều nhà quản lý di sản thế giới, của đại diện UNESCO tại VN cho thấy dấu hiệu khả quan, nhiều khả năng được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bản thân Tứ phủ cũng được họ hoan nghênh trên con đường tìm hiểu hồ sơ di sản”, GS Thịnh nhận định. Trên thực tế, bên cạnh các buổi hầu đồng tại điện thờ, nhiều nhà văn hóa, trong đó có đại diện UNESCO tại VN cũng đã tới xem Tứ phủ. Tứ phủ cũng đã được trình diễn trước Tổng thống và Phó thủ tướng Tanzania, nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Kenzo. Đây được xem như một biểu hiện giữ gìn và phát huy di sản trong đời sống.