Hát Xoan Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Ngày 8/12, di sản Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO (diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc) vào hồi 10h52' giờ địa phương (tức 8h52' giờ Việt Nam) ngày 8/12, di sản Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Dân Mạc- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ khẳng định: "Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào của nhân dân tỉnh Phú Thọ mà là vinh dự tự hào của nhân dân cả nước, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng Xoan".

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Ủy ban UNESCO Việt Nam, các bộ ngành TƯ đã hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh Phú Thọ trong bảo tồn phát huy di sản; cảm ơn Ủy ban liên Chính phủ và các Quốc gia thành viên của Công ước đã ghi nhận sự cố gắng nỗ lực và biểu quyết đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017. Cảm ơn các tổ chức phi Chính phủ, các chuyên gia ở Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về bảo vệ di sản trong đời sống đương đại hết sức giá trị.

Phu Tho
Đoàn Đại biểu cấp cao tỉnh Phú Thọ do đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã dự Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên chính phủ công ước 2003 của UNESCO được tổ chức tại đảo Jeju, Hàn Quốc. (Ảnh BaoPhuTho)

Hát Xoan Phú Thọ xưa vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kín. Cho đến nay, Hát Xoan Phú Thọ đã và đang vang vọng khắp nơi trên vùng Đất Tổ. Không gian vùng Xoan được đầu tư mở rộng, ý thức về bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan trong cộng đồng được nâng cao. Di sản Hát Xoan Phú Thọ qua ngàn đời vẫn đầy sức sống trong đời sống đương đại, khẳng định nỗ lực cố gắng của các nghệ nhân, cộng đồng và của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

Hát Xoan Phú Thọ đã đáp ứng được những tiêu chí, cụ thể, những thực hành Xoan liên quan đến âm nhạc và ca hát như là một cách thờ cúng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng. Các học viên Xoan được tổ chức thành các phường hát, với người đứng đầu được gọi là “Trùm”, là người bảo tồn các bài hát, chọn đệ tử, truyền dạy bài bản, phong cách hát và tổ chức các hoạt động của phường.

Bên cạnh việc ghi danh Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ủy ban Liên Chính phủ cũng lưu ý Việt Nam không chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản như trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách đại diện mà cần tiếp tục hoàn thành việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản như đã được đề cập trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách khẩn cấp năm 2011 và Báo cáo định kỳ quốc gia năm 2016...

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 34 Câu lạc bộ cấp tỉnh với 1.557 thành viên tham gia (tăng 270 thành viên so với kỳ kiểm kê tháng 3/2016). Các Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh, truyền dạy một số bài bản Hát Xoan ở 3 chặng Hát Xoan cổ, đối tượng tham gia là đại diện ban chủ nhiệm, hạt nhân tiêu biểu của Câu lạc bộ. Tháng 10/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai tập huấn bồi dưỡng kỹ năng trình diễn Hát Xoan cho 87 thành viên là hạt nhân các Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh.

phutho hat xoan
Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24/11/2011. (Ảnh BaoPhuTho)

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ: “Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục quảng bá, giới thiệu Hát Xoan đến đông đảo nhân dân trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế. Đẩy mạnh công tác truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca trên địa bàn tỉnh đồng thời phục hồi các tập tục liên quan tới Hát Xoan”.

Tỉnh Phú Thọ cam kết sẽ nỗ lực bằng tất cả các biện pháp thích hợp, phát huy vai trò cộng đồng chủ thể di sản, tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo tinh thần công ước 2003 của UNESCO, đảm bảo cho Di sản Hát Xoan Phú Thọ được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Được biết, đây cũng là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn khẳng định thành quả nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa.

Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24/11/2011. 

Ngày 13/2/2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành “Chương trình Hành động về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2012-2015”; Tiếp đó, ngày 7/11/2013 Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2013-2020” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù khó khăn về kinh phí, nhưng năm 2016-2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục hỗ trợ cho 4 phường Xoan, mỗi phường 30 triệu đồng/năm; thành phố Việt Trì hỗ trợ mỗi phường Xoan 25 triệu đồng/năm. Bên cạnh các phường Xoan, ở Phú Thọ còn có nhiều nhóm những người yêu thích Hát Xoan tự thành lập các câu lạc bộ.

Việc tu bổ, tôn tạo lại các di tích liên quan đến hát Xoan, tạo không gian riêng cho hát Xoan cũng được quan tâm; đồng thời tăng cường các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với các nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ, phát huy giá trị di sản…

Hiện nay, Viện Âm nhạc Việt Nam đã sưu tầm được 31 bài Hát Xoan và nhờ sự nỗ lực của một số nghệ nhân, nhiều phường Xoan đã được thành lập. Có 33 câu lạc bộ Hát Xoan hiện đang sinh hoạt, các hội thảo được tổ chức để mở rộng kiến thức về Hát Xoan. Những nghệ nhân lão luyện truyền dạy Hát Xoan thông qua truyền khẩu kết hợp với việc sử dụng các bài bản, ghi âm và ghi hình.

Đại Lộc