Hài hoà phát triển kinh tế và BVMT hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Sáng 4/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V với chủ đề “Hài hoà phát triển kinh tế và BVMT hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”. Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị.
z3617211180090-356d948c011bfd8ab31480d4d98398c11-1659635710.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Năm 2022 là thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây cũng là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Do đó, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V không chỉ tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những bài học, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn vừa qua mà còn để quán triệt, cùng thống nhất nhận thức và hành động của cả xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường.

Nhìn lại chặng đường đã qua cho thấy, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã đưa ra các bài tham luận, trao đổi, đánh giá về những kết quả đạt được và chưa được trong công tác BVMT, chỉ ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong thời gian tới. Nhiều tham luận được đánh giá cao như tham luận "Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ môi trường"; "Những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu" của UNDP; "Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường" ; "Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường" ...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, 5 năm vừa qua, chúng ta thấy được đóng góp rất lớn của ngành TN&MT và các lĩnh vực về bảo vệ tài nguyên mà chúng ta đã thực hiện được. Hệ thống chính sách, pháp luật có bước phát triển đột phá với việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, làm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác bảo vệ môi trường. Đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp, nhất là trong việc tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Nhiều dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư. Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom tăng qua các năm, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng.

Để phát triển đất nước theo hướng bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục chú trọng đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân cùng với sự phát triển bền vững chúng ta đưa lên hàng đầu. Các địa phương, các ngành cần chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật quy hoạch cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định hiện hành; kiên quyết giữ quỹ đất cây xanh và phải phát triển cây xanh trong đô thị, các khu vực. Cần tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp

Bên cạnh đó, các địa phương từ trung ương đến địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên nguồn ngân sách làm vốn để thu hút, phát triển, giải quyết các vấn đề môi trường.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh "Hội nghị toàn quốc về Môi trường lần thứ V" là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường sự kết nối, phối hợp, thúc đẩy mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường. Những kết quả quan trọng tại đại hội sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta chung tay, góp sức cùng nhau thực hiện thật tốt, hành động cụ thể trong công tác BVMT".

Kết thúc Hội nghị, một lần nữa Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Môi trường đã có sự tiến bộ trong 30 năm qua nhưng vẫn còn những thách thức. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, kinh tế số là con đường để chúng ta đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân.

MP