Theo đó, thực trạng xâm thực bờ biển diễn ra từ tháng 10/2020 đến nay, đã có khoảng 2,5 km bờ biển trên địa bàn huyện Nghi Xuân bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền từ 15-20 mét. Đến thời điểm này, dù không có bão lớn vào tỉnh Hà Tĩnh nhưng sạt lở bờ biển lại diễn biến phức tạp, càng khiến người dân thêm lo lắng.
Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh có khoảng 100km bờ biển đang bị xói lở nghiêm trọng, tập trung ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên… Với tình hình xâm thực như hiện nay, những cánh rừng phi lao sẽ khó giữ được trong thời gian tới.
Thực tế, tình trạng xâm thực đã diễn ra trong nhiều năm nay. Bờ biển Châu Tân là một trong nhưng địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất tại Hà Tĩnh khi đợt triều cường tăng cao và sóng biển lớn vừa qua đã gây ra hiện tượng xói lở gần 2km, có 4 tuyến đường dân sinh đã bị sóng đánh sập, nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng bị nước cuốn trôi. Điều này, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 120 hộ dân.
Còn tại tại bờ biển xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân), sóng lớn đã đánh bật gốc rưng fphi lao phòng hộ ven biển, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân.
Theo ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho hay, hiện tượng sạt lở bờ biển qua địa phận của xã này xảy ra từ năm 2020 cho đến nay. Đặc biệt là thời gian gần đây, sóng to gió lớn khiến việc sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn. Hiện tượng sạt lở trải dài 2,5 km, trải qua 3 thôn từ Tân Ninh Châu, Hội Tiến và Hội Thủy.
Ông Luật cho biết thêm, biển xâm thực khiến rừng phòng hộ có nguy cơ bị xóa sổ và đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của trên 600 hộ dân có nhà gần bờ biển của xã.
Để đảm bảo cuộc sống của người dân, trước mắt tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành gia cố các vị trí xung yếu, sạt lở nghiêm trọng. Còn về lâu dài, rất cần đến sự hỗ trợ từ Trung ương trong việc bố trí ngân sách để xây dựng các tuyến đê kè và di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm.
Sạt lở ven biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành miền Trung. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hiện nay, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận có khoảng có khoảng 55 vị trí sạt lở với tổng chiều dài hơn 65km. Trong đó, có 18 vị trí sạt lở nguy hiểm và 26 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển và khu dân cư ven biển.
Quảng Ngãi là địa phương có tình hình sạt lở nghiêm trọng nhất với 13 điểm, có tổng chiều dài là 15,6km. Tiếp đến là Thừa Thiên Huế có 7 điểm sạt lở đều ở mức đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 10,5km. Hà Tĩnh có 4 vị trí sạt lở thuộc 4 huyện/thị xã, tổng chiều dài là 10km.