Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023...
Ông Nguyễn Tri Thức, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, trong hơn 8 tháng qua, kể từ khi các bệnh viện tuyến trung ương và ngành Y tế xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Chính phủ, các Bộ, Ngành tổ chức rất nhiều cuộc họp, gặp gỡ lắng nghe ý kiến từ các cơ sở đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào về mặt chính sách.
“Tất cả nhân viên y tế ở Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang loay hoay không biết mua sắm như thế nào cho đúng… Hiện nhân viên y tế thời gian làm chuyên môn giảm đi rất nhiều mà tập trung vào mua sắm, đấu thầu, dẫn tới rất nhiều khó khăn”, ông Thức nêu thực tế.
Nếu không có chính sách, chỉ đạo của Bộ Y tế và Chính phủ, tới đây sẽ xảy ra tình trạng khó khăn mua sắm, sửa chữa các thiết bị y tế công nghệ cao như máy chụp CT, máy xạ trị cao cấp...
Ví dụ, máy chụp CT ở Bệnh viện Chợ Rẫy bị cháy một bóng đèn, muốn thay bóng đèn thì phải mua đúng của hãng đó, không thể mua hãng khác gắn vào được. Nếu mua sai hãng ban đầu sẽ bị tính vào đấu thầu, sai phạm mua sắm. Đây là một bất cập lớn giữa luật và thực tiễn.
Bên cạnh đó, khi làm kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải đủ 3 bảng báo giá theo Thông tư 58, nhưng một hãng độc quyền, một nhà phân phối thì lấy đâu ra 3 báo giá? Do đó, hiện những thiết bị cao cấp ở các bệnh viện công lập mà hỏng là không thể nào sửa được, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang bế tắc trong vấn đề này.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đặt câu hỏi, một khi máy CT dừng hoạt động thì bệnh nhân đi đâu? Bệnh nhân chỉ có hai lựa chọn, một là chịu, hai là ra bệnh viện tư. Thêm vào đó bệnh viện công phải đi tìm một bệnh viện tư làm hợp đồng để người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế. "Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo” - ông nói.
Ông Thức nói chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nếu trang thiết bị y tế không được sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của bệnh viện, bệnh nhân không có máy để điều trị.
Liên quan đến vấn đề cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc, trước ý kiến cho rằng bác sĩ chuyển từ công sang tư vẫn phục vụ nhân dân, ông Thức cho rằng, điều này là đúng nhưng chưa đủ.
Bệnh viện tư khi mời một bác sĩ bệnh viện công thì chắc chắn bác sĩ đó là tinh hoa, bác sĩ giỏi. Người có điều kiện sẽ có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi nhiều hơn người dân nghèo, như vậy không công bằng trong chăm sóc y tế, tạo sự mất bình đẳng chăm sóc y tế đối với người nghèo.
Với những phân tích trên, ông Thức đề nghị Thường vụ Quốc hội ra một nghị quyết để giải quyết tức thì những tình trạng của ngành Y tế trong thời gian chờ đợi sửa tất cả các luật khác.
Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng: “Hiện cứ mỗi người dân, trong đó có nhiều người bạn của tôi ai cũng nói đi vào bệnh viện quá thiếu thốn, thiếu từ băng gạc, bệnh nhân phải chịu đau đớn, tự đi mua thì bảo hiểm y tế không thanh toán được. Như vậy làm giảm đi giá trị bảo hiểm y tế, chưa hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân”.
Chính phủ, ngành Y tế cần nhìn nhận vấn đề, phân tích, đánh giá tổng thể về tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc cũng như thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ: “Tôi cho rằng ngành Y tế cũng rất khó khăn. Đồng chí Bộ trưởng mới không thể kỳ vọng một ngày một bữa và có cái “đũa thần” để xử lý hết những khó khăn, vướng mắc. Nhưng để giải quyết cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ một mình ngành Y tế sẽ rất khó”.
Đối với tư nhân việc mua sắm rất dễ nhưng công lập các thủ tục kèm theo và các cơ quan cũng phải làm đúng quy định pháp luật. Mà đúng quy định pháp luật thì thời gian sẽ bị chậm. Do đó, đây là vấn đề cấp thiết cần nhiều bộ, ngành cùng chung tay xử lý sớm, ông nói.