Dứt khoát không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc do thiếu trách nhiệm

Đặng Thu Hằng
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đẩy mạnh tiêm vacccine COVID-19 cho trẻ em. Đồng thời nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo đó tại Thông báo 288/TB-VPCP ngày 19-9-2022 về kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ở Phiên họp thứ 17 đã họp trực tuyến với các địa phương, yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề ra, hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

thu-tuong-chong-dich-13082022-1663649349.jpeg

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Trong đó, Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Tinh thần chung là không để dịch bệnh bùng phát trở lại, không để dịch chồng dịch. Bên cạnh đó, Tiểu ban An ninh trật tự xã hội tiếp tục phối hợp vận động hỗ trợ, giúp đỡ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Đáng chú ý tại Thông báo kết luận này, Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 05/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Sớm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân, đặc biệt là cho phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh. Dứt khoát không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do vướng mắc về thủ tục, quy định và do thiếu trách nhiệm.

Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương đánh giá việc đấu thầu tập trung, khẩn trương đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, sửa đổi các Thông tư có liên quan để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm; đồng thời thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong việc mua sắm.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về mua sắm, đấu thầu, các quy định về mua sắm đặc thù của ngành Y tế; khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

T.H.