Giải Nobel về Hoà Bình năm 2022 được trao cho một cá nhân và hai tổ chức

Đặng Thu Hằng
Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về nhà hoạt động nhân quyền Belarus, cùng hai tổ chức nhân quyền hoạt động tại Nga và Ukraine vì những nỗ lực, đóng góp trong vấn đề nhân quyền.

Trước thềm trao giải Nobel Hòa bình năm 2022 các ứng viên sáng giá gồm có: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Giáo hoàng Francis, lãnh đạo phe đối lập Nga Alexey Navalny...

Ủy ban Giải Nobel Na Uy ngày 7/10 tuyên bố Giải Nobel Hòa bình năm 2022 thuộc về nhà hoạt động nhân quyền người Belarus Ales Byalyatski, Tổ chức nhân quyền Memorial của Nga và Trung tâm Tự do Dân sự - một tổ chức nhân quyền của Ukraine.

"Chúng tôi quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2022 cho nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski tại Belarus, cùng tổ chức nhân quyền Memorial ở Nga và Trung tâm Tự do Dân sự tại Ukraine", Ủy ban Giải Nobel Na Uy tuyên bố.

Giải Nobel Hòa bình năm nay tập trung vào các nỗ lực chống lại tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền. Ủy ban này cho hay, họ trao giải Nobel Hòa bình cho ông Bialiatski và hai tổ chức nói trên vì những đóng góp trong việc tôn vinh "quyền con người, dân chủ và cùng tồn tại hòa bình" ở Belarus, Nga và Ukraine.

Ủy ban Nobel Na Uy cho biết: "Những người đoạt giải Nobel Hòa bình đại diện cho xã hội ở nước sở tại của họ. Họ đã thúc đẩy việc bảo vệ các quyền lợi cơ bản của công dân trong nhiều năm qua”. Giải thưởng bao gồm 1 huy chương vàng và phần thưởng trị giá 1,14 triệu USD.

nobel-hoa-binh-ales-bialiatski-afp-16651339843611016459162-1665161791.jpeg
Nhà hoạt động nhân quyền Belarus Ales Bialiatski - Ảnh: AFP

Theo bà Reiss-Andersen - Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cho rằng Trung tâm Tự do Dân sự (CLL) được trao giải vì đã tham gia vào nỗ lực điều tra cáo buộc "tội ác chiến tranh" trong xung đột Ukraine. "Nhóm này đã đóng vai trò tiên phong nhằm buộc các bên phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình", bà nói.

Còn về phía Tổ chức Memorial, Văn phòng tại Đức của tổ chức này ra tuyên bố cho hay giải Nobel Hòa bình sẽ "tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm của chúng tôi hỗ trợ các đồng nghiệp ở Nga".

Với ông Bialiatski - cá nhân duy nhất dành giải Nobel Hoà Bình năm nay đã dành cả đời để thúc đẩy dân chủ và phát triển hòa bình ở quê hương Belarus của mình. Bialiatski từng 5 lần đề cử cho Giải Nobel Hòa bình vào các năm 2006, 2007, 2012, 2013. Tuy nhiên đến tháng 8/2011, giới chức Belarus bắt Bialiatski với cáo buộc né thuế và che giấu lợi nhuận ở quy mô rất lớn, dựa trên dữ liệu tài chính được các công tố viên Litva và Ba Lan công bố. Bialiatski bác bỏ cáo buộc này, nhưng bị kết án 4,5 năm tù và tịch thu tài sản vào tháng 10/2021.

Ủy ban Nobel Na Uy kêu gọi Belarus trả tự do cho ông. "Chúng tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra và ông ấy có thể tới Oslo để nhận giải", bà Reiss-Andersen nói.

Nobel Hòa bình là một trong 6 giải thưởng do Alfred Nobel thiết lập năm 1895. Năm giải còn lại gồm Nobel Vật lý, Nobel Hoá học, Nobel Y sinh, Nobel Văn học và Nobel Kinh tế.

Thu Hằng