Chiều 2/2, ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (BQL Khu BTTN Pù Hoạt, Nghệ An) cho biết đơn vị này đã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Quế Phong, Trạm Biên phòng Hạnh Dịch, lực lượng chức năng xã Hạnh Dịch tổ chức giải cứu, thả 2 cá thể khỉ mặt đỏ về với tự nhiên.
Trước đó, 2 cá thể khỉ mặt đỏ này được anh Lưu Tuấn Đ. (trú khối Nam Sơn, thị trấn Kim Sơn, Quế Phong, Nghệ An) nuôi nhốt làm cảnh. Phát hiện sự việc, cán bộ Hạt kiểm lâm, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã đến tận nơi tuyên truyền việc nuôi nhốt động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Sau khi được tuyên truyền, vận động, anh Đ. đã đến Hạt kiểm lâm huyện Quế Phong để trình báo và giao nộp 2 cá thể khỉ mặt đỏ để cơ quan chức năng thả về môi trường sống tự nhiên.
Thời điểm tiếp nhận, 2 cá thể khỉ mặt đỏ này có tình trạng sức khỏe bình thường với tổng cân nặng khoảng 16kg. Cơ quan chức năng sau đó đã tiến hành thả 2 cá thể khỉ này về với môi trường tự nhiên.
Việc tự nguyện giao nộp động vật rừng của người dân nói chung và anh Đ. nói riêng thể hiện tính tự giác cao, ý thức bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Hành động này là đáng trân trọng, biểu dương và cần được nhân rộng.
Khỉ mặt đỏ có tên khoa học là Macacaarctoides. Trước năm 1975, loài này còn gặp rất phổ biến ở các khu rừng từ các tỉnh phía Bắc tới các tỉnh phía Nam trên tổng diện tích ước tính khoảng >30.000km2. Từ năm 1975 trở lại đây, tình trạng của loài thay đổi rõ rệt, số lượng quần thể giảm mạnh, số lượng tiểu quần thể hiện nay khoảng >50.
Từ năm 2000, khỉ mặt đỏ được đưa vào danh mục Sách đỏ Việt Nam, là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB.