MÈO GẤM
Mèo Gấm hay còn có tên thường gọi là mèo Gấm Ocelot, chúng xuất hiện nhiều nhất ở khu vực như: Assam (tây bắc Ấn Độ), Nepal, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và 1 số nước thuộc khu vực Đông Nam Á khác.
Dù là giống mèo rừng hoang dã, tuy nhiên kích cỡ và ngoại hình của mèo Gấm không khác gì mấy so với những chú mèo nhà được thuần dưỡng. Trung bình, một mèo Gấm trưởng thành có chiều cao khoảng 35cm tính từ vai, phần lưng dài 62cm và kích cỡ của đuôi là 55cm. Về cơ bản, cân nặng từ 2- 5kg là trọng lượng tối thiểu. Chúng sở hữu một đôi mắt nâu, đặc biệt khi tiếp xúc với ánh sáng sẽ phản chiếu thành màu vàng thẫm vô cùng đặc biệt.
So với những giống mèo nhà đơn thuần, mèo Gấm có vẻ ngoài bắt mắt hơn ở đặc điểm dưới cằm cùng dưới môi điểm một màu trắng hoặc vàng nhạt làm nét ấn tượng. Đa số sau tai hầu hết các chú mèo đều có 1 vài đốm trắng như đặc trưng riêng, khác biệt. Điểm nổi bật nhất của giống mèo này có lẽ là bộ lông tuyệt đẹp được thừa hưởng từ dòng báo lửa.
Là một trong những giống mèo có giá trị thương mại cao, bộ lông của mèo Gấm chính là điều mà các nhà săn thú luôn khao khát có được để mua bán. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN đã thống kê số lượng mèo Gấm trên toàn thế giới chỉ còn 10.000 con và đưa ra giải pháp bảo tồn.
Chính vì vậy loài mèo Gấm thực sự đang đứng trước nguy cấp về số lượng mèo ngày càng cạn kiệt và được xếp vào Sách đỏ, cần bảo vệ khẩn cấp. May mắn, với những chính sách xử phạt đặc biệt đã phần nào ngăn chặn được hành vi mua bán và săn bắt mèo Gấm. Hãy dừng việc săn bắt loài mèo Gấm quý hiếm đồng thời kêu gọi những người thân xung quanh bạn có ý thức giữ gìn sự sống.
MÈO CÁ
Mèo Cá có tên khoa học là Prionailurus viverrinus. Đây là một loài mèo hoang cỡ vừa, tập trung phân bố chủ yếu ở khu vực ngập nước ở Nam Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, mèo Cá được phát hiện ở các vùng rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Chúng có tổ tiên cùng với loài mèo Báo hoang dã. Loài mèo này có ngoại hình khá giống mèo rừng thường gặp với bộ lông màu xám đốm, tuy nhiên kích thước lớn hơn. Con trường thành có thể dài 57-78 cm chưa tính đuôi và nặng 5,1 - 16kg. Bởi vậy đây cũng là thành viên lớn nhất trong chi Mèo Báo.
Mèo Cá có cuộc sống gắn bó với mặt nước từ nhỏ. Mèo mẹ đẻ mỗi lứa 1 - 4 mèo con và chúng sống cùng nhau ở dọc các sông, suối và đầm lầy. Bởi vậy không quá ngạc nhiên khi mèo Cá có sở thích ngâm mình dưới nước, thậm chí là khả năng bơi lội cực giỏi. Chúng được mệnh danh là những vận động viên bơi lội cừ khôi của thế giới loài mèo.
Đôi khi chúng sẽ lên bờ để săn mồi trên cạn nhưng bản năng của chúng vẫn là ở dưới nước. Những đặc tính của giống mèo này thường không phổ biến và ít được biết đến. Người ta chỉ biết rằng chúng là giống mèo hoang dã ăn cá, thịt.
Mèo Cá sống trong các khu đầm lầy hoặc rừng ngập mặn. Thế nhưng hiện nay, tỉ lệ rừng ngập mặn ở Đông Nam Á đang suy giảm gần đến 50%. Những khu vực đất ngập nước này bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Canh tác quá mức và sử dụng phân bón hóa học tại các trang trại thoát ra đất ngập nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nơi ở của loài mèo này.
Thêm nữa, mèo Cá đang săn bắt quá mức để lấy thịt, lông hoặc làm vật nuôi, chính vì thế mèo cá Việt Nam đang được xếp vào nhóm động vật sắp nguy cấp trong Sách Đỏ và cấm các hoạt động thương mại hóa đối với chúng.
MÈO RI
Mèo Ri là một loài mèo núi quý hiếm của Việt Nam. Chúng có tên khoa học là Felis chaus, thuộc chi Mèo Felis trong họ mèo. Loài mèo này có nguồn gốc từ Trung Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, loài này rất hiếm gặp. Cho đến nay mới thu được một mẫu da 1 (mẫu số 1929, ngày 10/7/1978) tại vùng Kon Hà Nừng thuộc huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai.
Theo tài liệu, mèo Ri thường sống ở các trảng cỏ, trảng cây bụi và các bờ lau lách dọc sông và đầm lầy. Chính vì thế, chúng còn được gọi là mèo sậy, mèo đầm lầy. Đặc điểm nhận dạng của mèo Ri là bộ lông màu xám tro pha vàng nâu, phần bụng lông sáng hơn và dài hơn. Mèo Ri cũng có một số vệt trắng ở mặt và 2 vệt ở mặt trong chân trước; nhiều vệt đốm mờ ở phía ngoài của 4 chân.
Mèo Ri được ghi nhận là loài mèo nhỏ, hoạt động cả ban ngày và đêm tuy nhiên chúng hoạt động mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Chế độ ăn uống của mèo Ri tùy thuộc vào môi trường sống nhưng chúng có xu hướng săn bắt các động vật nhỏ như chuột, chim, bò sát, các loài lưỡng cư và thỏ rừng. Nếu sống gần các khu định cư của con người, mèo Ri cũng sẽ săn giết các gia cầm nhỏ như gà, vịt. Do là loài mèo hoang dã, mèo Ri thực sự là những thợ săn phục kích đỉnh cao, chúng ẩn thân trong những khóm cỏ cao, rình rập con mồi trước khi tung mình săn giết bất ngờ.
Hiện tại mèo Ri đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Nhóm I B, gồm các loài động vật rừng thuộc Nghị Định 32/2006/NĐ-CP Cần tiến hành điều tra xác định hiện trạng trong thiên nhiên để có biện pháp bảo vệ thích hợp.
MÈO ĐỐM GỈ
Mèo Đốm gỉ (Rusty Spotted Cat) chính là quán quân trong cuộc thi mèo nhỏ nhất hành tinh. Sở dĩ có tên là mèo Đốm vì trên người giống mèo này có những đốm đen lớn cùng những vệt màu tối kéo dài. Giống mèo này chỉ được tìm thấy ở Sri Lanka và Ấn Độ.
Một chú mèo Đốm gỉ chỉ nặng khoảng 0,8 – 1,6kg và dài 35 – 48cm (không tính phần đuôi). Một bé mèo cái trưởng thành nặng khoảng 1,4kg và mèo đực trưởng thành cũng chỉ nặng khoảng 1,6 – 1,7kg. 100 ngày tuổi đầu tiên, mèo Đốm Rusty đực có kích thước nhỏ hơn con cái.
Mèo Đốm gỉ rất yêu thích những nơi có thảm thực vật dày, các khu vực nhiều đá và rừng rụng lá, bụi rậm hay đồng cỏ. Cũng như họ hàng của mình, chúng sống về đêm với thức ăn chủ yếu bao gồm: ếch, chim, chuột… Chúng thực sự là một giống mèo khá hoạt bát và tinh nghịch.
Những giống mèo sống trong tự nhiên khác luôn tỏ ra bất hợp tác và vô cùng khó chịu khi bị thuần hóa. Thế nhưng, giống mèo Đốm gỉ này thì không như vậy. Chúng khá thân thiện và rất tò mò.
Hiện nay chỉ có khoảng 10.000 chú mèo Đốm gỉ sinh sống trong tự nhiên. Loài này đã được IUCN liệt vào danh sách Vulnerable (dễ bị tấn công). Bên cạnh đó, số lượng mèo Đốm gỉ vẫn đang giảm đáng kể do mất môi trường sống vì nạn phá rừng và áp lực từ săn bắn vì bộ lông quá đẹp và trở thành thức ăn ở một số vùng mà chúng sinh sống.