Nghệ sỹ đua nhau mở lò đào tạo
Qua theo dõi dài về mảng văn hóa văn nghệ, nắm bắt được nhu cầu của khán giả, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã mở một trung tâm đào tạo nghệ thuật mang tên "Tiếng hát Việt" tại nhà Thiếu nhi quận 10 (TP.HCM). Có thể nói, sau hàng loạt các chuỗi đầu tư vào kinh doanh ăn uống, hay mở các quán hải sản, việc “ông hoàng nhạc Việt” đầu tư và phát triển mạnh vào việc rèn luyện các tài năng nhí cho thấy, nhu cầu của phụ huynh cho con trẻ muốn trở thành người nổi tiếng rất lớn.
Đặc biệt, từ khi độc quyền nhóm nhảy ABC Kids, hay việc trở thành huấn luyện viên cho các chương trình The Voice (Giọng hát Việt), The X Factor Vietnam (Nhân tố bí ẩn)... đã truyền cảm hứng cho anh khi thực hiện dự án này. Có thể nói, đây là một quyết định đầu tư khá khôn ngoan của “ông hoàng nhạc Việt”. Bởi lẽ, trong xu hướng được trở thành ca sỹ và có đào tạo bài bản ngay từ đầu là mong ước của nhiều người.
Không chỉ có Đàm Vĩnh Hưng, ca sỹ Thanh Thảo từng rất thành công trong việc đào tạo và tìm chỗ đứng cho hàng loạt học trò, để bây giờ, họ đều là những người có tên tuổi như Trương Quỳnh Anh, Ngô Kiến Huy...
Ngoài ra, trong các lớp đào tạo làm ca sỹ không thể không kể đến Nam Khánh, người đã rất tâm huyết với các hoạt động nghệ thuật. Nam Khánh đã huấn luyện và đào tạo nhiều ca sỹ thành danh. Với những “lò” đào tạo kiểu này đã góp phần giúp giấc mơ trở thành ca sỹ của nhiều người được chắp cánh.
Theo quan sát của PV, ngay khi con còn nhỏ, nhiều bậc phụ huynh đã có nhu cầu cho con em của mình được học tập các khóa thanh nhạc, kỹ thuật biểu diễn từ sớm. Với ý kiến của nhiều người, việc học sớm sẽ giúp cho trẻ hấp thụ âm nhạc một cách dễ dàng, đồng thời đó cũng là cách để trẻ năng động, hoạt bát hơn. Thế nên, nhiều người không tiếc tiền đầu tư cho con cái của mình chỉ với từ 3.000.000 đến hàng chục triệu đồng trong 6 tháng là có thể đến các trung tâm đào tạo hay các học viện âm nhạc tài năng nhí để học tập. Mô hình học viện âm nhạc tại TP. HCM quả đã tạo làn sóng mở trường của các sao ca nhạc phía bắc.
Nếu như so với thời Thanh Lam, Mỹ Linh…, sau những giờ học chính quy tại nhạc viện là những giờ luyện thanh với cô giáo tại nhà riêng, thì giờ đây, các ngôi sao trẻ cũng như các em nhỏ đã bắt đầu có được những lựa chọn linh hoạt và bài bản hơn, đó là các trung tâm đào tạo do chính những nghệ sĩ tên tuổi đã có nhiều năm kinh nghiệm cọ xát với thực tế, trực tiếp đứng lớp.
“Bằng vào kinh nghiệm hơn 10 năm đứng lớp nhạc viện của tôi và cả kinh nghiệm cọ xát thực tế của những người thầy, đồng thời là những nghệ sĩ biểu diễn có “trường phủ sóng” rộng như Thanh Lam, Trọng Tấn..., tôi tin chúng tôi sẽ góp phần bổ khuyết cho thị trường âm nhạc của Hà Nội cũng như cả nước những con chim ra ràng cứng cáp hơn, tự tin hơn...” - sao nhạc đỏ Trọng Tấn chia sẻ.
Một điểm mạnh của các trung tâm này khi đặt cạnh các địa chỉ đào tạo uy tín khác, đó là: Người học có thể linh hoạt hơn về thời gian học, cũng như không phải đối diện với áp lực thi cử, vì họ hoàn toàn có thể lựa chọn con đường chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, nên có khả năng sẽ thu hút được nhiều đối tượng học viên hơn.
Một địa chỉ khác, chuyên về nhạc cổ điển do cặp vợ chồng Bùi Công Duy - Trinh Hương phụ trách, hiện cũng đang được coi là một cánh cửa đáng tin. Ngoài ra, còn cần kể đến Trường nghệ thuật Seedlink - trung tâm đào tạo âm nhạc, múa… kết hợp với trang bị các kỹ năng mềm khác như: Ngoại ngữ, kỹ năng sống, MC, kỹ năng vào lớp 1… do ca sĩ Thùy Dung khởi xướng cũng thu hút rất đông học viên từ nhiều năm nay...
Phụ huynh và hào quang nổi tiếng cùng con
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường đặt tâm lý nặng nề cho con cái của mình khi đầu tư mong con trở thành người nổi tiếng. Bên cạnh đó, các ánh hào quang từ một số chương trình truyền hình về âm nhạc dành cho trẻ nhỏ khiến nhiều người đưa giấc mơ nổi tiếng vào từ điển của con cái. Dễ nhận thấy rằng, việc có trở thành ngôi sao hay quán quân trong bất kỳ chương trình nào không phải là đích đến cuối cùng cho tất cả mọi trẻ. Tuy nhiên, vì giấc mơ của mẹ, nhiều trẻ em buộc phải đi theo giấc mơ nổi tiếng mà mất đi tuổi thơ vốn của bản thân.
Thế nhưng thực tế rằng, nhiều lò luyện đào tạo nghệ sỹ, song số lượng trẻ đăng quang và có thể trụ vững trong showbiz không phải nhiều. Có thể nói, sau chương trình truyền hình thực tế, chỉ có duy nhất Phương Mỹ Chi là thí sinh dễ dàng tìm đến môi trường âm nhạc và có thể làm nghề một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để được như cô bé này dễ có mấy người. Nhiều thí sinh nhỏ tuổi khác có thể kể đến các thí sinh trưởng thành từ chương trình Giọng hát Việt nhí phải chật vật đi hát các phòng trà để có thể sống với nghề
Đa số các nhà chuyên môn cho rằng, việc cho con sớm tiếp cận với môi trường nghệ thuật là tốt, song vẫn còn nhiều yếu tố khác, nhất là việc cho con cái học âm nhạc sớm không nên là giấc mơ để giành lấy giải thưởng hay chiếc vé quán quân trong bất kỳ một chương trình truyền hình thực tế nào. Bởi lẽ, chiếc vé ấy là có hạn và không phải rằng đứa trẻ nào cũng có thể lấy được. Không phải vì chiến thắng mà cha mẹ cho con lao vào học. Việc học để hiểu, để áp dụng quan trọng hơn nhiều việc học để chiến thắng, hay trở thành ngôi sao. Ngoài ra, việc các bậc cha mẹ sớm đưa những tài năng này tiếp cận với môi trường showbiz sẽ dễ dàng làm cho các tài năng nhí gặp khá nhiều áp lực khi còn quá sớm. Đây cũng là nguyên nhân làm cho trẻ bị ảnh hưởng tâm lý và phát triển khả năng của mình.
Thế nên, cơ hội cho trẻ là có, song các bậc phụ huynh cũng nên sáng suốt để tìm cho con mình con đường thích hợp nhất.
Có thể nói, việc nhiều bậc cha mẹ đưa con vào các trung tâm, “lò luyện” sẽ phần nào giúp trẻ hòa nhập với môi trường rèn luyện ngay từ sớm. Tuy nhiên, từ việc học đến việc tỏa sáng là một con đường dài, ở đó đòi hỏi cần nhiều yếu tố khác. Thế nên, việc ào ạt đưa con vào các “lò luyện” theo một chu trình khép kín của sự nổi tiếng chỉ làm cho con em mình gặp nhiều thiệt thòi trên bước đường của showbiz. Ngoài ra, khi các trung tâm được mở lên để đào tạo nghệ sỹ trẻ, cũng cho thấy môi trường này đang trở nên sôi động. Vì thế, các bậc phụ huynh cần suy nghĩ cẩn thận trước khi đầu tư cho con em mình đi học.