Mắt biếc - câu chuyện tình yêu đơn phương của Ngạn (Trần Nghĩa) dành cho Hà Lan (Trúc Anh) thu hút khán giả thời gian qua. Sau hơn một tuần trình chiếu, bộ phim mới nhất của đạo diễn Victor Vũ trở thành tác phẩm điện ảnh Việt thứ 5 trong năm nay thu hơn 100 tỷ đồng tại phòng vé.
Ngoài việc tạo ra doanh thu kỷ lục phòng vé dịp cuối năm, Mắt biếc còn thúc đẩy việc phát triển du lịch ở Huế.
Cụ thể, bối cảnh của làng Đo Đo - nơi chứng kiến câu chuyện tình của Ngạn và Hà Lan - ngoài đời là thôn Hà Cảng (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Huế). Hình ảnh của cây cô đơn, cánh đồng mía, chợ quê, trường tiểu học cộng đồng Đo Đo đều được ghi hình tại đây.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tiết lộ từ sau khi phim Mắt biếc trình chiếu, lượng khách đổ về thôn Hà Cảng ngày càng đông, nhất là khách du lịch nội địa.
"Với mục đích quảng bá những địa điểm trong phim, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cùng người dân đã tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường ở tuyến đường dẫn vào cây cô đơn. Nhiều người dân cũng gọi cây mắt biếc thay vì cây vông đồng như trước. Đồng thời dựng lại quán nước để phục vụ du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, chúng tôi đã lắp đặt thêm biển báo chỉ dẫn tại một số điểm đến để hướng dẫn du khách tìm đường, tổ chức dịch vụ thuê xe đạp để du khách tham quan và chụp ảnh…", ông Phúc cho biết.
Cũng theo ông Phúc, để những địa điểm trong phim Mắt biếc tạo sức lôi kéo du khách thời gian dài, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên ý tưởng liên kết tour tuyến, dịch vụ. Ngoài việc tận mắt chứng kiến cây cô đơn, trường tiểu học cộng đồng Đo Đo, chợ quê... du khách còn có cơ hội tham quan các di tích lịch sử như chùa Thiện Khánh, phủ Bác Vọng, di tích nhà bia Đặng Hữu Phổ hoặc làng nghề xung quanh, có thể kể đến là làng rau má Quảng Thọ, mây tre Bao La, mía Cẩm Tân...
Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết hiện nay có nhiều nhà làm phim đang liên hệ với Sở để có thể hình thành bối cảnh quay tại các làng quê hoặc địa điểm nổi tiếng của địa phương.
"Chúng tôi khuyến khích các nhà làm phim đến Huế để quay phim. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, việc bảo vệ môi trường và giữ nguyên hiện trạng của cảnh quan là điều quan trọng nhất. Như cây cô đơn trong phim Mắt biếc có tuổi thọ 30 năm sẽ là địa điểm được nhiều du khách check-in, chúng tôi sẽ ra sức giữ vệ sinh, không để ai xả rác hay khắc chữ bừa bãi lên cây. Tương tự, các địa điểm khác cũng vậy", Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên -Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết.
Trước Mắt biếc, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) của Victor Vũ cũng từng tạo ra cú hích cho sự phát triển du lịch tỉnh Phú Yên. Nếu như trước kia, nơi đây chỉ được biết đến với địa danh Gành Đá Đĩa thì sau bộ phim, nhiều địa điểm khác như bãi cát, cánh đồng lúa, con đường làng... cũng trở nên thơ mộng, thu hút khán giả. Hàng vạn lượt khách du lịch trong nước đã đổ về xứ "hoa vàng" để tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tiềm ẩn của mảnh đất Phú Yên.
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Phú Yên, chỉ trong 2 tháng sau khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh công chiếu, hơn 130.000 lượt du khách đến Phú Yên, tăng gần 30% so với năm 2014.