Tham dự Hội thảo có PGS. TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam; bà Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam; ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), ông Tống Quang Thì - Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; bà Nodaka Sukenari – Đại diện Hội CTĐ Nhận Bản, cùng với sự tham gia của các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Hội CTĐ các tỉnh ven biển nằm trong vùng dự án.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” được tiến hành liên tục từ năm 1994 đến nay. Hội CTĐ Đan Mạch tài trợ Dự án từ năm 1994 đến năm 2005; Hội CTĐ Nhật Bản thông qua Hiệp Hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ từ năm 1997 đến năm 2015 và tài trợ trực tiếp Hội CTĐ Việt Nam năm 2016. Tổng kinh phí Dự án trên 11,3 triệu đô la Mỹ, trong đó Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ trên 7,2 triệu đô la Mỹ nhờ sự đóng góp hàng năm của người dân, cán bộ, tình nguyện viên CTĐ Nhật Bản.
Trong 22 năm qua (1994 - 2016), dự án trồng rừng ngập mặn đã được Hội CTĐ 10 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình) triển khai, đạt những kết quả tích cực, với 3 loại cây: Trang, Đước và Bần, 24.000 ha rừng ngập mặn đã được trồng, hiện còn sống và có độ che phủ gần 9.000 ha, bảo vệ được gần 100 km đê biển.
Ngoài ra, Dự án còn trồng được 103 ha tre bảo vệ đê sông và 398 ha phi lao bảo vệ ven biển; hỗ trợ xây dựng cộng đồng an toàn - giảm thiểu rủi ro thảm họa tại 392 xã thông qua việc nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai cho chính quyền và người dân. Hiện nay, rừng ngập mặn do Hội CTĐ Việt Nam trồng chiếm trên 4,27% tổng diện tích rừng ngập mặn hiện đang tồn tại tại Việt Nam và chiếm khoảng 25% diện tích rừng tại các tỉnh có triển khai chương trình.
Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Việt Nam, có 29 tỉnh có bờ biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đây là khu vực thường xuyên chịu nhiều rủi ro do thiên tai gây ra. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 1943, Việt Nam có 408.500 ha rừng ngập mặn, nay chỉ còn 310.000 ha. Do vậy, việc phục hồi và phát triển diện tích rừng ven biển là hết sức cần thiết. Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” của Hội CTĐ Việt Nam đóng góp tích cựu trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Tuy nhiên, khu vực ven biển thường xuyên chịu nhiều rủi ro, thiệt hại do thiên tai gió bão, cát bay, sóng biển, triều cường và nước biển dâng. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ven biển Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020”, mục tiêu của đề án là sẽ trồng mới được 46.000 ha rừng trong đó có 29.500ha rừng ngập mặn. Để đạt mục tiêu này, ông Cao Chí Công đề nghị các địa phương rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất các loại đất khác đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển; tổ chức rà soát, chuyển các công trình có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, khu vực hành lang bảo vệ bờ biển. Ông Công cũng cho rằng, cần phải có mức đầu tư thích hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng, bảo vệ rừng ngập mặn. Đồng thời, cũng đề nghị các địa phương kêu gọi việc xã hội hóa đầu tư, phát triển và đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư, bảo vệ rừng ngập mặn.
Bà Nodaka Sukenari – Đại diện Hội CTĐ Nhận Bản đánh giá cao hiệu quả của dự án. Bà cho biết dự án này đã được nhận giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản. Qua thực tế tại các địa phương như: Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa... nhận thấy, người dân các địa phương này rất tích cực trong công việc trồng, chăm sóc rừng ngập mặn. Đặc biệt, khi đi thực tế tại Thanh Hóa tôi đã thấy những cây bần bị đổ nhưng việc cây bị đổ này đã bảo vệ được tính mạng của con người. Vì vậy, việc trồng rừng ngập mặn đã có tác động mạnh mẽ đến việc bảo vệ môi trường ở các địa phương.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tác, chính quyền địa phương cùng với Hội CTĐ Việt Nam đã tập trung trao đổi 5 vấn đề chính: Ai sẽ tiếp tục quản lý, sử dụng những diện tích rừng do Hội CTĐ Việt Nam trồng; Các cấp Hội CTĐ Việt Nam có cơ hội tham gia các chương trình trồng rừng của Chính phủ; Các đối tác trong nước, quốc tế và Hội CTĐ Nhật Bản có tiếp tục hỗ trợ Hội CTĐ Việt Nam duy trì quản lý và phát triển bền vững rừng ngập mặn; Cấp ủy, chính quyền các tỉnh Dự án có tiếp tục giao đất rừng và hỗ trợ các thủ tục pháp lý để xác định quyền đồng sử dụng đất rừng cho Hội CTĐ các địa phương; Mô hình du lịch sinh thái rừng ngập mặn liệu có thể triển khai thí điểm.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng: Trong thời gian tới, Hội CTĐ Việt Nam cùng Cục Lâm nghiệp, Cục Phòng chống thiên tai sẽ triển khai xây dựng kế hoạch về quản lý, phát triển diện tích rừng ngập mặn này. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý, phân định ranh giới, thống kê về rừng và giao trách nhiệm cho các tổ chức cá nhân để tổ chức quản lý và bảo vệ rừng. Trong năm 2016, Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ sẽ kết thúc. Trong thời gian tới, Hội CTĐ Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Hội CTĐ Nhật Bản, Mỹ, Đức… để có những dự án cụ thể hơn để triển khai cho hoạt động này. Bên cạnh đó, đề nghị các tỉnh đã quản lý rừng của Hội CTĐ trong hơn 20 năm qua đề xuất những mô hình phát triển bền vững như: mô hình du lịch sinh thái; kết hợp phát triển rừng ngập mặn với nuôi trồng thủy sản; phát triển các mô hình tạo sinh kế bền vững cho người quản lý rừng như nuôi ong, các sản phẩm dưới rừng… tại địa phương mình để có những mô hình quản lý và phát triển rừng hiệu quả.