Hơn 230 nghìn người hưởng lợi từ Dự án chống chịu thiên tai

Tạp Chí Nhân Đạo
Ngày 28/9, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Hội CTĐ Mỹ tổ chức Hội thảo triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung Việt Nam (gọi tắt là Dự án Liên minh OFDA) – Giai đoạn II (từ tháng 7/2017 đến 9/2018).
IMG_0704
Ông Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam;  ông Craig Hart – Phó đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam; bà Francesco Diane – Trưởng đại diện Hội CTĐ Mỹ tại Việt Nam; cùng đại diện của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các tỉnh hội và ban quản lý dự án...

Dự án Liên minh OFDA do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho 5 tổ chức gồm: Hội CTĐ Mỹ/Hội CTĐ Việt Nam, Tổ chức Catholic Relief Services, Plan International, Save the Children và HelpAge International tại Việt  Nam. Trong đó, Hội CTĐ Mỹ đóng vai trò điều phối.

Dự án nhằm hỗ trợ các nhóm người dễ bị tổn thương và chính quyền địa phương nâng cao khả năng chống chịu các rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ thiệt hại về người và tài sản do các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt.

Trong giai đoạn II, với tổng kinh phí là 1.538.550 đô-la Mỹ, Dự án được triển khai tại 33 xã, phường với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu ở cấp xã/phường/thôn một cách hiệu quả và bền vững nhằm giảm tác động của thiên tai và tăng cường dịch vụ/cơ sở vật chất thiết yếu cho người dân. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 37.000 người hưởng lợi trực tiếp và hơn 200.000 người hưởng lợi gián tiếp từ hoạt động dự án tại địa bàn.

  Trong giai đoạn này, Dự án hướng đến tính bền vững và khả năng nhân rộng các mô hình hoạt động với các hoạt động chính: Thành lập các Nhóm hỗ trợ kỹ thuật và các Nhóm cộng đồng; tổ chức tập huấn về Quản lý và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; thực hiện đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai ở các xã mục tiêu.

Hơn nữa, các đối tác của Liên minh sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương lồng ghép kết quả từ các báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRA) vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tìm kiếm nguồn nội lực để thực hiện kế hoạch đã xây dựng. Tại cấp hộ gia đình và cấp trường, Dự án sẽ hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao nhận thức về kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai; tổ chức tập huấn về sơ cứu, tìm kiếm và cứu hộ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: “Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Hà Tĩnh là những tỉnh thuộc khu vực miền Trung đặc biệt dễ bị tổn thương khi thiên tai thảm họa xảy ra. Trong giai đoạn 1 của Dự án, chúng ta đã tiếp cận về thảm họa đô thị không chỉ về thiên tai mà còn là các vấn đề về di dân nhà ổ chuột, sự cố cháy nổ. Điều đó không chỉ hỗ trợ thiết thực cho người dân ở cộng đồng mà giúp chúng ta có mô hình tốt, có phương pháp hiệu quả, đặc biệt đã tạo ra được sự phối hợp liên ngành chặt chẽ.

Với sự thành công của giai đoạn 1, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã quyết định hỗ trợ cho Liên minh OFDA một giai đoạn mới, giai đoạn này chúng ta tập trung nhiều hơn, rõ hơn cho ứng phó thiên tai ở cộng đồng”.

IMG_0708
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Ông Craig Hart – Phó đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Liên minh OFDA triển khai ở giai đoạn 1. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu của giai đoạn 2 nhằm hỗ trợ cho 37.000 người hưởng lợi trực tiếp và 200.000 người hưởng lợi gián tiếp trong vòng 15 tháng. Các đối tác trong Liên minh đã nâng cao hỗ trợ đánh giá hệ thống cảnh báo sớm, cải tạo nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm. Thực tế trong cơn bão số 10 vừa qua đã thể hiện rõ tính hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm này, cũng như nâng cao nhận thức, tổ chức các khóa tập huấn sơ cấp cứu tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn.  

Trước đó, trong giai đoạn I (tháng 10/2015-6/2017), Dự án đã triển khai tại 28 xã/phường thuộc 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi với tổng kinh phí 2,5 triệu đô-la Mỹ. Dự án giai đoạn I đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 3 mục tiêu: Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho chính quyền địa phương, cho cộng đồng và cho trường học thông qua nhiều hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa, tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị, truyền thông.

Đối với chính quyền địa phương: Đã có 460 cán bộ, 28 nhóm hỗ trợ kỹ thuật được thành lập và được tập huấn ở 28 xã/phường theo hướng tiếp cận của Đề án 1002 của Chính phủ về nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Đối với cộng đồng dân cư tại 28 xã/phường được tăng cường kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai thông qua tập huấn kỹ năng cộng đồng ứng phó với thảm họa (CADRE) cho khoảng 670 thành viên đội ứng phó cộng đồng và nhiều  khóa tập huấn khác về sơ cấp cứu, cứu trợ tiền mặt trong tình huống khẩn cấp, chằng chống nhà cửa... Dự án cũng hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm và thiết bị cứu hộ cứu nạn để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai. Đối với trường học, thông qua việc áp dụng Khung trường học an toàn, 39 trường tiểu học và trung học cơ sở tại 28 xã/phường nâng cao năng lực chống chịu thiên tai. Dự án cũng đã hỗ trợ tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên và khóa học cho khoảng 2.500 học sinh về kiến thức phòng ngừa thảm họa.