Bà Nguyễn Thị Nga (SN 1964), ở số 16 hẻm 66/2 ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội, phản ánh đến baonhandao.vn về việc chính quyền địa phương gây khó khăn trong việc cải tạo sửa chữa chỗ ở của gia đình bà, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình.
Cụ thể, tháng 11/2017, gia đình bà Nga có mua căn nhà số 16 hẻm 66/2, ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội của bà Lê Thị Khanh. Và được Sở TN&MT TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CL 274435 ngày 07/12/2017.
Khi nhận bàn giao, phần diện tích sử dụng tại tầng 4 phía ngoài bếp nấu mái che là tấm lợp trần đã hỏng, xung quanh là hàng rào sắt đã cũ, không còn được che chắn, không đảm bảo an toàn, và khi mưa, gió sẽ bị hắt nước, gây ẩm mốc, thấm dột xuống tầng phía dưới.
Do đó, ngày 18/12/2017, gia đình đã có đơn xin phép cải tạo nhà, cụ thể: tại tầng 4, gia đình đã thay thế hàng rào sắt bằng các tấm nhôm kính, phía mặt trước do lắp đặt thêm điều hòa nên gia đình đã gia cố bằng một đoạn tường gạch phía trên cửa nhôm kính, đồng thời, gắn thêm trần thạch cao phía dưới mái tôn; tại hàng rào sắt ban công tầng 2 + tầng 3, gia đình có thay thế các tấm hắt mưa mới. Việc sửa chữa hoàn toàn không ảnh hưởng tới kết cấu xây dựng.
Đồng thời, gia đình cũng tiến hành cải tạo nhà để đảm bảo cuộc sống. Quá trình cải tạo sửa chữa, chính quyền địa phương không có ý kiến gì, cũng không có bất kỳ tranh chấp, khiếu kiện gì với hộ dân liền kề và các hộ xung quanh.
Liệu có quá cứng nhắc trong xử lý ?
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Vi phạm không phải là quá lớn, hơn nữa khi mua lại nhà của bà Khanh đã có sẵn như vậy, gia đình tôi chỉ gia cố và sửa lại những chỗ dột, nát chứ không làm gì ảnh hưởng đến kết cấu của nhà, cũng như không gây ảnh hưởng đến các hộ liền kề. Hơn nữa, gia đình tôi cũng có gửi đơn xin phép cải tạo nhà nhưng chính quyền địa phương không có ý kiến, cũng chả lập biên bản gì khi gia đình tôi cải tạo, sửa chữa”.
Theo bà Nga, việc chính quyền địa phương cắt khóa để thực hiện cưỡng chế nhà bà bằng được, cho dù gia đình đã có đơn trình bày hoàn cảnh để xin lùi lịch cưỡng chế, là quá cứng nhắc và gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Được biết, ngày 10/8/2019, bà Lê Thị Khanh, người bán nhà cho gia đình bà Nga, có đơn xác nhận gửi UBND phường Quốc Tử Giám khẳng định ngôi nhà lúc này đúng với hiện trạng ngôi nhà tại thời điểm bán lại cho gia đình bà Nga.
Hơn nửa năm sau, ngày 19/6/2018, UBND phường Quốc Tử Giám bỗng ban hành Thông báo số 20/TB về việc giải quyết đơn của bà Trịnh Thị Vân Hà (ở số 20 hẻm 66/2 ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội), không phải hộ liền kề, yêu cầu gia đình bà Nga phải dỡ bỏ tấm nhựa che chắn, chống mưa hắt gắn trên hàng rào sắt có sẵn tại ban công tầng 2, tầng 3 vì cản gió vào nhà bà Hà.
Ngày 31/7/2018, Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa cùng UBND phường Quốc Tử Giám đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.
Đến ngày 16/05/2019, UBND quận Đống Đa ban hành Quyết định số 1219/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Sau đó, ngày 10/07/2019 UBND phường Quốc Tử Giám ban hành Thông báo số 17/TB-UBND về việc thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Bà Nga cho biết: Trước thời gian cưỡng chế (tức ngày 24/7/2019), gia đình đã có đơn xin tự tháo dỡ vào sáng ngày 25/7/2019. Việc tháo dỡ này được cán bộ UBND phường hướng dẫn, trực tiếp là ông Lê Ngọc Tú - Chủ tịch phường Quốc Tử Giám. Nhưng khi làm việc ngày 25/07/2019, cán bộ UBND quận Đống Đa lại không đồng ý hiện trạng tháo dỡ này nên đã xem việc gia đình tự tháo dỡ là không hoàn thành.
Đến ngày 12/09/2019, UBND phường Quốc Tử Giám ban hành thông báo số 33/TB-UBND về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 1219/QĐ-CCXP ngày 16/05/2019 của UBND quận Đống Đa.
Theo đó, nếu gia đình bà Nga không tự thực hiện tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện cưỡng chế bộ phận công trình xây dựng vi phạm vào 8 giờ ngày 18/9/2019 (sau lùi lại khoảng 9 giờ cùng ngày).
Phần công trình vi phạm trật tự xây dựng cần dỡ bỏ còn lại này là một bức tường gạch đầu hồi và bức vách khung nhôm kính (thuộc phần tum phía trên nóc tầng 3).
Tin nhắn gửi Chủ tịch quận Đống Đa
Chị Phạm Quỳnh Anh, con gái bà Nga, cho biết, sáng ngày 18/9/2019, chị có gọi hai cuộc điện thoại vào số điện thoại 0903422xxx của ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, nhưng không thấy nghe máy nên đã nhắn tin trình bày, cụ thể: “Chào anh Phong, tôi là Quỳnh Anh - con của bà Nguyễn Thị Nga, ở số 16 ngõ 66/2 ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Hôm nay, chính quyền địa phương có tổ chức cưỡng chế việc cải tạo, sửa chữa do dột nát ngôi nhà của gia đình tôi. Nhưng do hôm nay mẹ tôi bị đau đầu, chóng mặt chưa rõ nguyên nhân nên gia đình đang phải đưa đi bệnh viện cấp cứu và kiểm tra bệnh tình. Tôi vừa phải chạy qua UBND phường để báo và viết đơn đề nghị lùi lại việc thực hiện cưỡng chế để gia đình tôi có thể sắp xếp người chấp hành theo đúng quy định nhưng chủ tịch phường kiên quyết không đồng ý. Do đó, tôi cũng mạn phép nhắn tin cho anh để báo cáo việc này, tránh trường hợp đoàn cưỡng chế cố tình tìm mọi cách đập phá, cắt khóa cửa để thực hiện. Rất mong anh có chỉ đạo để chúng tôi có cơ hội chấp hành đúng quy định, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Cảm ơn anh!”
Chị Phạm Quỳnh Anh, con của bà Nga, chia sẻ: “Sáng ngày 18/9/2019, mẹ tôi cảm thấy đau đầu, chóng mặt không rõ nguyên nhân nên hai chị em phải đưa mẹ đi bệnh viện cấp cứu và thăm khám. Dù mệt nhưng mẹ tôi vẫn dặn tôi đến UBND phường để trình bày và xin lùi lịch cưỡng chế do không có ai ở nhà thời điểm đó. Khoảng 8 giờ, tôi có đến phường gửi đơn trình bày về sự việc trên. Đồng thời có điện thoại và nhắn tin cho ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, theo số điện thoại 0903422xxx.”
Vậy nhưng, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng vẫn tiến hành cưỡng chế, cắt khóa cửa của gia đình để cho người cùng máy móc lên phá dỡ một bức tường gạch đầu hồi và bức vách khung nhôm kính. Sau đó, khóa cửa và niêm phong cửa của gia đình bà Nga.
Hiện mẹ con bà Nga chưa vào được nhà, đang phải đi thuê phòng trọ ở ngoài để ở. Trong khi, phía trên tum, tường đã bị đập, giữa sân vào trong nhà chỉ còn mỗi cửa nhôm kính, không thực sự đảm bảo an toàn cho tài sản bên trong.
Ngoài ra, toàn bộ tài sản trong khu vực bếp như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng, …. cũng có nguy cơ hỏng hóc, chập cháy do mưa hắt.
Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên baonhandao.vn đã liên hệ với chính quyền địa phương và hiện đang chờ lịch hẹn làm việc.
Baonhandao.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.