Một trong những kết quả quan trọng nhất của dự án là hoàn thành Báo cáo kỹ thuật về Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP). Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng khung giám sát, báo cáo và đánh giá các hoạt động thích ứng của nhiều bên liên quan, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và y tế.
Dự án "Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ thông qua UNDP tại Việt Nam. Thời gian triển khai từ tháng 9/2020 - tháng 11/2022. Theo Cục Biến đổi khí hậu - đơn vị chủ trì thực hiện, sau 2 năm triển khai, Dự án đã đạt mục tiêu đề ra, bao gồm việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; tăng cường năng lực, kỹ thuật để tích hợp dữ liệu và thông tin, thẩm định các giải pháp và thực hiện các đánh giá để lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án đã thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, và địa phương; dự toán ngân sách các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý và triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, hành lang pháp lý về ứng phó BĐKH của Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện. Trong năm 2022, Cục BĐKH đã tham mưu trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ký ban hành 14 văn bản, trong đó có các văn bản do Dự án NAP-GCF hỗ trợ xây dựng, Các văn bản này vừa giúp vừa triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, vừa nội luật hóa các quy định quốc tế.
Sắp tới, Việt Nam sẽ gửi Báo cáo NAP tới UNFCCC, trong đó thể hiện rõ những nỗ lực của Việt Nam cả về tăng cường công tác quản lý và nỗ lực đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Những kết quả của Dự án về Cơ sở dữ liệu về thích ứng với biến đổi khí hậu; Hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; Hệ thống giám sát, đánh giá cấp quốc gia để giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu… sẽ giúp các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cụ thể các tác động, rủi ro, tổn thất thiệt hại do biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở để Việt Nam đề xuất và triển khai các hoạt động thích ứng quy mô lớn ở cấp ngành, cấp quốc gia trong giai đoạn tới.
Bên cạnh các kết quả nổi bật nêu trên, Dự án còn xây dựng một số báo cáo nhằm đưa ra một số giải pháp triển khai hiệu quả Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm: Báo cáo đề xuất các biện pháp tăng cường phối hợp liên Bộ để triển khai thực hiện NAP, Báo cáo định hướng thu hút tài chính cho đầu tư công và tư trong thực hiện các hoạt động thích ứng ưu tiên, Báo cáo tổng hợp phương pháp xác định và đánh giá các hoạt động thích ứng ưu tiên… Thông tin được thu thập, chia sẻ thông qua Cổng Thông tin thích ứng quốc gia, giúp nhiều đối tượng có thể tiếp cận dễ dàng.
Tại Hội thảo, đại diện Cục BĐKH và các đơn vị tham gia Dự án đã chia sẻ về hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng BĐKH cấp quốc gia, phương pháp đánh giá đối với lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương do BĐKH và giới thiệu phương pháp đánh giá trong lĩnh vực giao thông vận tải; hướng dẫn lồng ghép thích ứng BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, ngành, địa phương cùng cách thức lựa chọn dự án ưu tiên...
Thảo luận về các hoạt động dự kiến trong pha 2 của Dự án trong thời gian tới, các đại biểu đã chỉ ra những khoảng trống khiến cho việc đầu tư thích ứng chưa đi đến tối ưu. Theo ông Tăng Thế Cường, các Bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên thiết kế những dự án quan trọng, giải quyết nhu cầu thực tiễn và có đóng góp thiết thực cho ngành, lĩnh vực.
Ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Đại diện thường trú - Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh củng cố các kết quả của pha 1, pha 2 của Dự án cần tiến lên một bước mới trong việc vận hành thu thập cập nhật hệ thống dữ liệu thông tin, giám sát đánh giá NAP thông từ địa phương tới trung ương để có căn cứ và cơ sở cho việc quản lý huy động nguồn lực đầu tư quốc gia cho thích ứng. Các cơ quan cũng cần bổ sung nhu cầu hỗ trợ về thích ứng với BĐKH phù hợp hoàn cảnh và yêu cầu mới của quốc tế và trong nước.
Theo các đại biểu, việc xây dựng 2-3 dự án ưu tiên đầu tư, với các giải pháp sẵn sàng đầu tư theo cách tiếp cận mới của NAP sẽ giúp mở đường cho các dự án thích ứng của Việt Nam theo cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ hơn với ưu tiên quốc gia.