Điểm sơ cấp cứu cộng đồng, phòng khám nhân đạo: Tìm hướng đi mới hiệu quả

Nguyễn Diệp Linh
Hệ thống điểm sơ cấp cứu cộng đồng, phòng khám nhân đạo đi vào hoạt động đã giúp nhiều người dân được tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trước một số khó khăn trong việc xây dựng, duy trì hoạt động của những mô hình này, các cơ quan chức năng đang tìm hướng đi mới bảo đảm hiệu quả và phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) hướng dẫn kỹ năng sơ cứu cho người dân trên địa bàn.Cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) hướng dẫn kỹ năng sơ cứu cho người dân trên địa bàn.

Mô hình ý nghĩa với cộng đồng

Những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội quan tâm xây dựng mạng lưới trạm, điểm sơ cấp cứu, phòng khám nhân đạo tại nhiều địa phương. Các điểm, phòng khám được trang bị thuốc men, dụng cụ y tế thiết yếu, lại có người ứng trực thường xuyên, nên hoạt động khá thuận lợi.

Từng được các tình nguyện viên tại điểm sơ cấp cứu đặt trên đường Quang Trung (quận Hà Đông) trợ giúp khi không may bị tai nạn giao thông, anh Nguyễn Văn Quang, trú tại phường Biên Giang (quận Hà Đông) nhớ lại: “Tôi được hỗ trợ cầm máu, nẹp cố định cánh tay bị gãy trước khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông điều trị. Nhờ được sơ cấp cứu đúng kỹ thuật từ sớm đã giúp sức khỏe của tôi nhanh hồi phục”.

Ngoài trường hợp nêu trên, mỗi năm, Hà Nội có hàng trăm lượt người không may bị nạn được hỗ trợ sơ cấp cứu, hàng vạn lượt người được trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe từ các mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã trợ giúp kịp thời cho hơn 300 trường hợp khi gặp biến cố về tai nạn giao thông qua những mô hình ý nghĩa này.

Mặc dù hiệu quả đã được kiểm chứng, nhưng số lượng các điểm sơ cấp cứu, phòng khám nhân đạo đang giảm dần, từ con số hơn 50 điểm, phòng khám vào cuối năm 2021, hiện còn khoảng 40 điểm, phòng khám hoạt động. Lý giải nguyên nhân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa Trần Thị Thúy Nga cho biết, các phòng khám nhân đạo, trạm sơ cấp cứu cộng đồng cần được đặt tại vị trí thuận lợi về giao thông, đông dân cư, trong khi rất hiếm công trình công cộng hiện hữu ở khu vực nội thành có thể đáp ứng tiêu chí này. Nếu lắp dựng các chốt sơ cấp cứu ở những địa điểm công cộng (vỉa hè, công viên...) phải có nguồn kinh phí không nhỏ. Việc đặt nhờ tại nhà dân ở những vị trí đắc địa càng khó triển khai, còn đặt tại nhà dân trong các đường, ngõ nhỏ lại ít phát huy tác dụng...

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) Trương Thúy Hiền phản ánh, dù nguồn lực con người sẵn có, song các điểm vẫn cần nguồn kinh phí để bổ sung thuốc men, thay thế vật dụng y tế, tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho người dân. Để vận hành điểm sơ cấp cứu cộng đồng đặt tại nhà A3, tập thể 128C Đại La, Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Tâm kêu gọi sự chung tay đóng góp của cộng đồng, nhưng không dễ thực hiện do đời sống của không ít người đang khó khăn.

Không để “chết lâm sàng“

Không để những mô hình ý nghĩa này “chết lâm sàng”, Hội chữ thập đỏ một số địa phương cùng các bên liên quan chủ động chuyển đổi cách thức hoạt động cho phù hợp.

Tại huyện Gia lâm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nguyễn Thị Thanh Yến cho hay, để giải bài toán về kinh phí, hội kiến nghị và được UBND huyện bố trí kinh phí hơn 400 triệu đồng triển khai kế hoạch sơ cấp cứu cộng đồng giai đoạn 2021-2023. Trên cơ sở đó, Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho các tình nguyện viên chữ thập đỏ, đại diện ban giám hiệu các nhà trường cùng cán bộ y tế học đường.

Đến nay, huyện Gia Lâm có mạng lưới 200 tình nguyện viên sơ cấp cứu cấp 1 và 60 tình nguyện viên sơ cấp cứu cấp 2 được cấp chứng chỉ theo quy định. Đánh giá về chương trình này, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Nhờ nắm vững kỹ năng sơ cấp cứu, đội ngũ giáo viên sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời với các tình huống không may xảy ra, qua đó góp phần xây dựng trường học an toàn”. Cũng nhờ có lực lượng tình nguyện viên sơ cấp cứu đạt chuẩn, Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm có thể “kích hoạt” hoạt động của đội sơ cấp cứu lưu động khi cần, thay thế dần mô hình truyền thống.

Tương tự, từ năm 2022, Hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa chuyển dần mô hình phòng khám nhân đạo từ cố định sang lưu động với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo y, bác sĩ trong và ngoài quận. Hiện nay, quận Đống Đa vẫn bố trí điểm sơ cấp cứu, phòng khám nhân đạo tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ quận tại số 5, ngõ 180, phố Nguyễn Lương Bằng; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe lưu động cho người dân có hoàn cảnh khó khăn...

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu, với tinh thần đồng hành với người vượt khó, trợ giúp kịp thời cộng đồng dễ bị tổn thương, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã, đang chủ động tìm hướng đi mới cho mô hình phòng khám nhân đạo, điểm sơ cấp cứu cộng đồng. Đó cũng là giải pháp góp phần chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở, không để ai bị bỏ lại ở phía sau.

T/H