Đề xuất tiêu chuẩn cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình

Nguyễn Hồng Hạnh
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo, trong đó quy định chi tiết về các điều kiện hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thành lập không vì mục đích lợi nhuận; quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
bao-luc-1677860981.jpg
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình là sơ sở được thành lập với mục tiêu chính là cung cấp dịch vụ về phòng, chống bạo lực gia đình.

Các dịch vụ được cung cấp tại cơ sở theo đăng ký và có thể cung cấp một hoặc các dịch vụ quy định tại Điều 40 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 13 Nghị định này.

Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cá nhân tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở được hưởng chính sách theo quy định.

Cơ sở cung cấp dịch vụ tạm lánh phải có cửa khóa và cửa thoát hiểm

Dự thảo đề xuất cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đối với cơ sở cung cấp dịch vụ tạm lánh hoặc dịch vụ cung cấp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi.

Theo đó, cơ sở cung cấp dịch vụ tạm lánh phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Cơ sở cung cấp dịch vụ tạm lánh phải địa chỉ cụ thể, phải có tối thiểu một phòng tạm lánh đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở;

b) Phòng tạm lánh phải có giường, chiếu, chăn, màn, điện thắp sáng, quạt làm mát, vệ sinh khép kín hợp vệ sinh;

c) Phải có cửa khóa và cửa thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp;

d) Phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp cơ sở có số phòng phải thực hiện an toàn phòng, cháy chữa cháy;

đ) Phải niêm yết công khai giá dịch vụ bao gồm giá phòng, dịch vụ ăn, uống và dịch vụ khác trong trường hợp thu phí dịch vụ người tạm lánh tại cơ sở;

e) Người đứng đầu cơ sở tạm lánh và nhân viên cơ sở tạm lánh về phòng, chống bạo lực gia đình phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định này.

Phải niêm yết công khai giá dịch vụ

Cũng theo dự thảo, cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Có địa chỉ cụ thể tại một địa điểm cố định.

b) Có diện tích tối thiểu 50m2 đối với địa bàn đô thị và 100m2 đối với địa bàn còn lại.

c) Người đứng đầu cơ sở và nhân viên cơ sở phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định này.

d) Phải niêm yết công khai giá dịch vụ bao gồm giá phòng, dịch vụ ăn, uống và dịch vụ khác trong trường hợp thu phí dịch vụ người tạm lánh tại cơ sở.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tại Việt Nam cho các cơ sở sau:

a) Cơ sở do tổ chức quốc tế lập để cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động liên quốc gia hoặc quốc gia đặt trụ sở chính tại Việt Nam;

b) Cơ sở do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội lập có thu phí dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở có trụ sở chính đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do các tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng ký thành lập;

b) Cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình do các tổ chức, cá nhân trong nước thành lập mà không thuộc các trường hợp thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.