Cụ thể, người lao động có thừa số năm đóng bảo hiểm xã hội lúc về hưu, ngoài tiền lương hưu sẽ được hưởng thêm tiền trợ cấp một lần của bảo hiểm xã hội. Mỗi năm đóng được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương, thay vì 0,5 lần như hiện nay.
Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết: Đề xuất này nhằm khuyến khích lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu để cải thiện mức lương hưu.
Hiện nay, lương hưu của người lao động tham gia BHXH được tính bằng tỷ lệ (%) hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu phụ thuộc vào số năm người lao động đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2023 trở đi, nếu đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng là 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2%.
Đối với lao động nữ cũng nghỉ hưu ở thời điểm này, để có mức hưởng lương hưu tối thiểu 45% thì cần đóng đủ 15 năm. Tỷ lệ hưởng thêm sau mỗi năm tương tự lao động nam.
Mức hưởng lương hưu tối đa hiện nay là 75%. Như vậy, lao động nam cần đóng bảo hiểm xã hội 35 năm sẽ đạt được mức lương hưu tối đa, lao động nữ thì cần 30 năm.
Thực tế có những lao động tham gia bảo hiểm xã hội sớm, ổn định và đóng đủ năm để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa từ khi chưa đến tuổi nghỉ hưu. Từ sau khi đạt mức hưởng lương hưu tối đa, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau đó không được tính để tăng tỷ lệ hưởng lương hưu.
Đối với trường hợp này, Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: "Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần".
Mức trợ cấp này hiện nay được tính như sau, cứ mỗi năm đóng vượt thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Thực tế thực hiện quy định này cho thấy, mức trợ cấp một lần trên đều thấp, không đủ sức hấp dẫn để khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sau khi họ đã đóng đủ năm để đạt mức hưởng lương hưu tối đa.
Tuy nhiên, khi lấy ý kiến về luật BHXH sửa đổi mới đây, Liên đoàn lao động một số tỉnh thành nêu thực tế, nhiều công nhân đi làm từ tuổi đôi mươi, nay thừa năm đóng BHXH để hưởng tối đa 75% lương hưu và được nhận trợ cấp một lần trước khi hưởng lương hưu, nhưng thiếu tuổi vẫn bị trừ tỷ lệ hưởng. Thiếu một năm đóng bảo hiểm xã hội trừ 2%, nhưng thừa một năm đóng được cộng không đáng bao nhiêu so với việc phải trừ 2% khi thiếu một năm đóng. Vì vậy, người lao động có ý kiến với công đoàn cơ sở kiến nghị có thể bù đắp cho nhau để những người có thừa năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu được hưởng tối đa.
Phản hồi về các ý kiến trên, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng: "Đây là vấn đề khó khi làm sao để cân đối hài hòa giữa việc người lao động vừa muốn nghỉ hưu sớm nhưng không bị trừ tỷ lệ hưởng hương hưu hàng tháng. Những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu trên nhiều góc độ để hoàn thiện trước khi báo cáo các cơ quan có thẩm quyền”.
Theo báo Tin tức