Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Sáng ngày 17/12 tại Hà Nội, Trung tâm Đào tạo cán bộ Chữ thập đỏ Việt Nam; Công ty Phát triển đào tạo nguồn nhân lực châu Á (AHTDO) tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi Khoá I (Đào tạo Kaigo).

Tham dự Lễ khai giảng có bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam; bà Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam; ông Yoichiro – Giám đốc điều hành Công ty AHTDO; ông Nguyễn Quốc Dân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ CTĐ; Cùng đại diện các ban, đơn vị và các học viên khoá I (Đào tạo Kaigo).

kaigo
Toàn cảnh Lễ khai giảng.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Với thực trạng nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đủ kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, người khuyết tật đang là vấn đề lớn của không chỉ các nước khác mà cả ở Việt Nam. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội CTĐ Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng, Hội CTĐ Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước xây dựng lên chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi (đào tạo Kaigo).

kaigo-1
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam tặng hoa chúc mừng khai giảng khóa đào tạo

Với khoá học đầu tiên về nội dung này, bà Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị: Công ty AHTDO và Trung tâm Đào tạo cán bộ, nỗ lực cùng nhau làm việc tuân thủ quy định của phát luật và quy định của Hội CTĐ Việt Nam nhằm ngày một nâng cao chất lượng nhân lực đào tạo nói chung, nhân lực chăm sóc người cao tuổi nói riêng. Đồng thời phát triển mô hình đào tạo này ra toàn hệ thống Hội.

Đối với các thầy, cô giáo và học viên, bà Nguyễn Thị Xuân Thu mong muốn các thầy, cô có kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng, nhiệt tình chia sẻ, truyền đạt kiến thức cho học viên và là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo. Đây toàn là kiến thức, kỹ năng mới so với Việt Nam, mong rằng các học viên sẽ hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn, cùng nhau phấn đấu, tiếp thu kiến thức, kỹ năng để sau này có thể hiểu, làm được nghề, cao hơn nữa là đi truyền đạt kiến thức cho các khoá sau.

“Đây là một nghề đặc biệt, một công việc hết sức đặc biệt, các học viên cần có kiến thức sâu rộng, kỹ năng thuần thục và làm việc với tình yêu thương, tôn trọng, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với người cao tuổi”, bà Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh.

kaigo-2
IMG-8211
Trao thư chúc mừng của Tỉnh trưởng tỉnh Ehime và Thị trưởng TP.Matsuyama của Nhật Bản nhân dịp khai giảng.

Ông Yoichiro – Giám đốc điều hành Công ty AHTDO cho biết: Là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao và sớm so với Việt Nam, Nhật Bản đã trải qua một quá trình dài tập trung cho nghiên cứu, đào tạo và đầu tư cho phúc lợi, an sinh xã hội để chăm sóc người cao tuổi. Có thể khẳng định rằng, Nhật Bản là quốc gia tiên phong và có nhiều kiến thức kinh nghiệm thành tựu trong chăm sóc người cao tuổi.

Ở Nhật Bản, cách đây nhiều năm, việc chăm sóc người già cũng do người trong gia đình làm giống như ở Việt Nam. Nhưng hiện nay, cùng với xu hướng gia đình hạt nhân và xã hội hóa người cao tuổi, “Nhân viên chăm sóc người cao tuổi” có chuyên môn đóng vai trò quan trọng trong công việc trợ giúp người già. Ngoài ra có cả chứng chỉ hành nghề cấp quốc gia “Nhân viên chăm sóc người cao tuổi và phúc lợi xã hội” cấp cho người có chuyên môn cao. Công việc này đòi hỏi người làm phải có kiến thức chuyên môn cao và kỹ năng giao tiếp tốt để vừa chăm sóc người cao tuổi vừa kết hợp với bác sĩ để công việc thuận tiện trôi chảy. Có thể nói, nghề chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản là công việc “chuyên nghiệp” đòi hỏi tính chuyên môn cao.

Tại Nhật Bản, theo dự báo của Chính phủ Nhật Bản, đến năm 2025 sẽ cần tối thiểu 2.530.000 người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, hiện còn thiếu khoảng 378.000 người. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nâng cao chăm sóc người cao tuổi: Là chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề phù hợp với những đặc thù khác nhau của mỗi nơi làm việc; phù hợp với sử dụng các trang thiết bị hiện đại của nơi làm việc; rèn luyện ý thức, tác phong, thái độ làm việc phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền đất nước nơi làm việc; phù hợp với pháp luật, các quy định của nước sở tại.

Đến với Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi (đào tạo Kaigo) của Nhật Bản, học viên sẽ được học các kỹ thuật tiên tiến và phù hợp với nhu cầu. Phục hồi chức năng hỗ trợ tự lập cho người cao tuổi là thành tựu lớn của Nhật Bản được cả thế giới công nhận và đánh giá cao. Do đó, chương trình đào tạo của Hội Chữ thập đỏ được tiếp cận và được áp dụng tại Việt Nam sẽ có tính hiệu quả lớn.

kaigo-3
IMG-8232
Các đại biểu và học viên chụp ảnh lưu niệm.

Tại Lễ khai giảng ông Yoichiro gửi lời chúc các học viên sẽ chăm chỉ học tập, trau rồi kiến thức để khoá học đạt hiệu quả cao. Đồng thời, mong muốn Công ty và Hội CTĐ Việt Nam sẽ liên kết, hợp tác bền vững và lâu dài trong tương lai. Và hy vọng, chương trình đào tạo này không những đào tạo ở Hà Nội mà còn được mở rộng ra tất cả các tình thành khác trong cả nước.

Nhân dịp Lễ khai giảng khoá đào tạo Kaigo, Tỉnh trưởng tỉnh Ehime và Thị trưởng TP.Matsuyama của Nhật Bản đã gửi thư chúc mừng. Trong thư có đoạn viết: "Đây là lần đầu tiên chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản được triển khai tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Chữ thập đỏ Việt Nam và đây là điều có ý nghĩa hết sức sâu sắc. Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào những học viên khi tốt khoá nghiệp đào tạo này, họ sẽ áp dụng, phát huy được những gì đã được đào tạo tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi".

Hồng Loan