Dành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’

Đặng Thu Hằng
Với phương châm “sống là cho đi”, Hoàng Công Minh vượt lên mọi gian khó vận động 4.000 người hiến máu, tiểu cầu. Anh cũng là người sáng lập nên ‘Ngân hàng sữa mẹ’ đầu tiên ở Tây Nguyên.

Lan tỏa phong trào hiến máu cứu người

31 tuổi nhưng Hoàng Công Minh (ngụ Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã có thâm niên hơn 13 năm hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện. Anh quyết tâm giành cả thanh xuân để làm công việc ý nghĩa này.

Bao nhiêu bệnh viện, bệnh nhân trên khắp vùng Tây Nguyên đã nhận được nguồn máu kịp thời, Minh không nhớ nổi. Chỉ biết rằng, anh cùng các tình nguyện viên do mình vận động đều chung niềm hạnh phúc khi cho đi những "giọt hồng".

Cơ duyên để Minh "nghiện" vận động hiến máu bắt đầu từ hơn chục năm trước.

Minh chia sẻ rằng, tôi bắt đầu hiến máu năm 2010. Năm 2011 thì tham gia CLB sinh viên tình nguyện hiến máu Trường Đại học Tây Nguyên. Lần đầu thì chưa có suy nghĩ gì nhiều nhưng vài lần sau, trực tiếp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk hiến máu và chứng kiến sự sống còn của không ít bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào nguồn máu được cung cấp kịp thời. Trong khi đó, ngân hàng máu sống tại một số cơ sở y tế không phải lúc nào cũng dồi dào. Thế là trong lòng Minh trỗi dậy khát vọng phải vận động ngày càng nhiều người hiến máu. Càng nhiều người hiến máu thì càng giúp được nhiều bệnh nhân vượt qua nguy kịch...

Người giành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’ - Ảnh 2.Hoàng Công Minh (thứ 3, từ trái qua, hàng đứng) cùng các tình nguyện viên hiến máu do anh vận động.

Ám ảnh nhất với Hoàng Công Minh là mỗi lần chứng kiến những lao động chính trong các gia đình ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số không may bị tai nạn, thiếu máu trầm trọng. Hay những sản phụ bị vỡ tử cung, băng huyết, cần nguồn máu nhiều. Rồi những bệnh nhân nhi cần phẫu thuật, cần tiểu cầu, máu...

Hàng đêm, trong những lần thức giấc, Minh đều trăn trở với ý nghĩa "làm gì cho có thật nhiều người hiến máu, giúp các bệnh viện, các y bác sĩ không còn phải lo âu, đôn đáo đi huy động hiến máu".

Biến trăn trở thành hiện thực, năm năm 2013, Hoàng Công Minh thành lập "Ngân hàng máu sống" để chuyên đi vận động người hiến máu khẩn cấp cho những ca cấp cứu nặng tại các bệnh viện. Sau đó thì đổi thành CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên.

Người giành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’ - Ảnh 3.Với Hoàng Công Minh, hiến máu, hiến tiểu cầu là niềm hạnh phúc.

Biết khát vọng và tâm nguyện của Minh, đông đảo người khác chung chí hướng hiến máu giúp người đã gia nhập CLB của Minh. Hàng loạt bác sĩ, bệnh viện cũng ghi nhớ số điện thoại của Minh để khi cần là gọi. Dù mưa gió, đêm tối anh cũng sẽ cùng các tình nguyện viên có mặt ngay để hiến máu.

Người giành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’ - Ảnh 4.Nhiều bằng khen của các cơ quan dành cho hành trình hiến máu và vận động hiến máu, đối với Minh như một động lực tinh thần để cố gắng hơn.

Nhìn lại hành trình mình đã đi qua, Hoàng Công Minh bộc bạch: "Nhọc nhằn thì nhiều, nhưng niềm vui cũng không ít. Tính tới thời điểm hiện tại có khoảng hơn 4.000 tình nguyện viên được tôi vận động hiến máu, người ít thì vài lần, người nhiều thì vài chục lần. Ban đầu, nghe tôi kêu gọi hãy đến bệnh viện hiến máu, một số bạn cũng sợ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhưng sau khi được giải thích và thuyết phục, họ đã hiến máu "thử". Hiến máu xong thấy khỏe mạnh bình thường và còn được chứng kiến người mình cho máu vượt qua lằn ranh sinh – tử, thế là họ tham gia luôn vào đội ngũ tình nguyện viên hiến máu của CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên.

Giúp được nhiều người là hạnh phúc

Không chỉ đích thân vận động 4.000 người hiến máu, bản thân Minh cũng đã hiến máu hơn 20 lần.

"Có những bệnh viện tư nhân khi có bệnh nhân nghèo vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số cần máu, họ gọi điện là chúng tôi tức tốc đến hiến máu ngay. Hiến máu xong ra về trong niềm hạnh phúc chứ cũng không cần giấy chứng nhận gì cả. Có hôm xuyên đêm đi hiến máu, về nhà rất mệt nhưng đổi lại chúng tôi nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ phía người nhà bệnh nhân", Hoàng Công Minh tâm tình.

Cũng theo Minh, khó khăn nhất trong hành trình làm việc thiện của anh là phương tiện đi lại, thời gian, thời tiết. Rất nhiều ca cấp cứu cần lượng máu nhiều vào lúc 0 giờ hoặc 1-2h sáng. Lúc đó, nhiều tình nguyện viên đang chìm trong giấc ngủ, gọi điện thoại nhiều lần không được, Minh phải lao đến gọi trực tiếp.

Người giành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’ - Ảnh 5.Nhờ các tình nguyện viên hiến máu, nhiều bệnh nhân đã được truyền máu kịp thời.

Hay có những đêm mưa bão bập bùng, đường sá ngổn ngang cây cối ngã, đổ, Minh cùng các tình nguyện viên vẫn vượt qua tất cả để đến viện hiến máu. Nghe theo Minh, có người chạy xe máy hàng trăm km với sự thôi thúc duy nhất là "bệnh nhân đang cần mình hiến máu".

Người giành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’ - Ảnh 6.Cùng với vận động hiến máu, Minh còn sáng lập nên "Ngân hàng sữa mẹ".

Món quà vô giá nhất đối với Minh cũng như các tình nguyện viên trong CLB của anh là hàng trăm bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch đã nắm chặt tay các anh rưng rưng xúc động nói "sự sống hôm này một phần nhờ máu của các anh".

Trải lòng mình, Hoàng Công Minh bộc bạch: "Nhiều gia đình bệnh nhân chia sẻ với chúng tôi rằng, cả đại gia đình của họ không ai hợp để hiến máu cả, nhất là nhóm máu O. Trong lúc bệnh viện đang khan hiếm nhóm máu này, họ tuyệt vọng thì tình cờ được người khác giới thiệu cho số điện thoại của CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên, thế là gọi. Lập tức hàng chục người đến hiến máu. Khi khỏe mạnh, nhất là các bệnh nhân ở vùng sâu thường thốt lên "thật không ngờ xã hội bây giờ vẫn có nhiều người nhiệt huyết và tốt thế". Những lúc như vậy, tôi chỉ nói với bệnh nhân là chỉ cần sống tốt với mọi người, lan tỏa những điều nhân ái rồi sẽ gặp được người tốt giúp cho mình thôi".

Người giành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’ - Ảnh 7.Nhiều phần thưởng cho CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên do Minh lập nên.

Trong hàng trăm lần vượt mưa gió vào các bệnh viện hiến máu tại Khoa sản của các bệnh viện, Hoàng Công Minh được một số nhân viên y tế nhờ đi xin sữa mẹ để hỗ trợ cho các em bé không may có sản phụ gặp sự cố khi "vượt cạn"...

Từ đó, Minh lại nung nấu ý nghĩ phải lập nên "Ngân hàng sữa mẹ". Minh mạnh dạn đăng ý tưởng của mình lên nhiều trang mạng xã hội, lập tức được nhiều người ủng hộ. Một số bà mẹ bỉm sữa thì nhắn tin sẵn sàng cho sữa, một số người thì xin sữa.

Trong niềm vui khôn xiết, Minh về nhà lấy tất cả số tiền dành dụm được mua hệ thống tủ đông chuyên dụng để bảo quản sữa mẹ. Ai cho thì Minh hướng dẫn bỏ vào túi, cấp đông rồi anh đến lấy về bảo quản. Ai hay bệnh viện nào cần thì anh lại mang đi cho.

Thấm thoắt, "Ngân hàng sữa mẹ" của Minh đã đi vào hoạt động được 3 năm, anh đã triển khai 5 điểm đặt tủ sữa mẹ miễn phí trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk và giúp cho hàng ngàn em bé sinh non hay có mẹ gặp sự cố khi sinh, có ngay nguồn sữa để phát triển khỏe mạnh.

Người giành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’ - Ảnh 8."Ngân hàng sữa mẹ" do Minh lập nên đã cung cấp sữa cho hàng ngàn đứa trẻ.

Hoàng Công Minh thổ lộ lòng mình rằng: "Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các bé, việc vận chuyển hay bảo quản sữa mẹ được chúng tôi làm rất cẩn thận. Khi đưa vào các bệnh viện hay đến lấy từ các gia đình cho sữa đều bỏ vào thùng xốp sạch sẽ, bảo đảm độ lạnh phù hợp. Có người khi thấy giữa đêm chúng tôi nhộn nhịp kéo vào bệnh viện hiến máu và mang sữa mẹ vào tiếp tế, nghĩ chúng tôi vì lợi lộc gì. Nhưng khi nghe các y bác sĩ nói rõ, tất cả là tình nguyện, là miễn phí thì họ thay đổi ý nghĩ ngay. Khởi xướng lập nên CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên hay "Ngân hàng sữa mẹ" chúng tôi cũng chỉ mong mọi người có thể sẻ chia và giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, cùng xây dựng cộng đồng xã hội nhân ái, nghĩa tình. Hàng loạt bằng khen của nhiều cơ quan cũng góp phần tăng động lực cho chúng tôi".