Đà Nẵng: Tổng kết Đề án “Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mần non”

Nguyễn Hồng Hạnh
Ngày 16/12/2022, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng tổ chức tổng kết các hoạt động triển khai thực hiện Đề án “Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mần non”với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 750 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng vận động đối ứng hơn 457 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2019 của UBND TP. Đà Nẵng về việc phê duyệt Đề án “Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mần non” trên địa bàn TP. Đà Nẵng nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành về sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non để xử lý hiệu quả các trường hợp tai nạn thương tích xảy ra tại trường học, góp phần giảm thiểu hậu quả đáng tiếc đồng thời mở rộng mạng lưới tình nguyện viên sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đề án được thực hiện thí điểm từ năm 2019- 2021, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên đã kéo dài đến 2022.

giao-vien-mam-non-thuc-hanh-noi-dung-huan-luyen-scc-1671295557.jpg
Giáo viên mầm non thực hành nội dung huấn luyện SCC

Đến nay, Đề án đã đạt được những kết quả tích cực: Tổ chức được 143 lớp/150 lớp (đạt 95%), 3.925 người/ 4500 người (đạt 87% so với kế hoạch). Trước khi được tập huấn, bảng kiểm đầu vào kỹ năng sơ cấp cứu của các giáo viên mầm non là: 30% học viên đạt khá; 55% học viên trung bình-yếu. Sau khóa tập huấn, đã có 30% học viên đạt tốt, 60% khá, 10% trung bình. Hỗ trợ In và cấp phát 6.000 cuốn cẩm nang cung cấp cho giáo viên và 4.000 tờ rơi cung cấp cho phụ huynh phòng tránh tai nạn thương tích.

giao-vien-mam-non-thuc-hanh-noi-dung-huan-luyen-scc1-1671295580.jpg
Giáo viên mầm non thực hành nội dung huấn luyện SCC1

Các học viên được học các nội dung theo quy định về đào tạo sơ cấp cứu cho tình nguyện viên cấp I, theo phương pháp dạy học tích cực, kết hợp thực hành trên mô hình và dụng cụ trực quan; cụ thể: Kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp; Sơ cứu dị vật, tắc đường thở; Sơ cứu ngừng thở, ngừng tim (kỹ thuật CPR); Sơ cứu chảy máu - sốc; Sơ cứu các vết thương phần mềm, băng bó vết thương; Sơ cứu gẫy xương; Kỹ thuật vận chuyển nạn nhân an toàn; Sơ cứu bỏng; Sơ cứu điện giật; Sơ cứu đuối nước. Các tập huấn viên tham gia giảng dạy là đội ngũ Tập huấn viên Trung tâm Huấn luyện Sơ cấp cứu Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đào tạo bài bản đạt chuẩn tập huấn viên Sơ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế và được cấp thẻ chứng nhận tập huấn viên sơ cấp cứu.
Bà Lê Thị Bích Trâm - Hiệu trưởng Trường Mần non 19/5 - quận Hải Châu bày tỏ: Ngoài việc giáo dục giúp trẻ em hình thành các kỹ năng và nhận biết, phòng - tránh những nguy cơ không an toàn cho bản thân thì những hoạt động hàng ngày như vui chơi, vận động, vệ sinh tại trường mần non luôn tiềm ẩn những tình huống có thể xảy ra đối với trẻ. Do đó, việc trang bị các kiến thức đặc biệt là kỹ năng về sơ cấp cứu ban đầu cho giáo viên mần non thuộc Đề án của Hội Chữ thập đỏ là rất cần thiết và mang tính thiết thực, hiệu quả cao. Việc được trang bị kiến thức và tập huấn với phương pháp giảng dạy tích cực, các giáo viên đã vận dụng hiệu quả vào quá trình thực hiện chăm sóc giáo dục thực tế khi đứng lớp, luôn đảm bảo môi trường an toàn, lọai bỏ những yếu tố nguy hiểm có thể gây thương tích cho trẻ khi hoạt động. Đã chủ động khi xử lý các tình huống về tai nạn thương tích và thực hiện sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ 1 cách bình tĩnh hơn để trường mầm non thực sự là môi trường an toàn, an toàn để hạnh phúc và phát triển.

Phan Yến