Cựu quân nhân hơn 30 năm miệt mài cứu người bị nạn, bất kể ngày đêm, mưa nắng

Đặng Thu Hằng
Hơn 30 năm không ngại khó khăn, nguy hiểm, bất chấp nắng hay mưa, đêm hay ngày, có người gặp nạn gọi là ông Thọ lại sẵn sàng lên đường cấp cứu nạn nhân.

Từng là bộ đội đóng quân tại đơn vị vận tải thuộc Quân khu 2, năm 1988, ông Phan Tất Thọ (SN 1965) xuất ngũ và về sinh sống tại xã Tiêu Sơn (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), là xã có địa bàn chạy dài theo Quốc lộ 2.

anh-1-2-66-1666806783.jpeg
Mỗi khi nghe thông tin có người bị nạn, ông Thọ lại tức tốc lên đường bất kể thời gian nào.

Khi đó, Quốc lộ 2 là tuyến đường huyết mạch lưu thông vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nên thường hay xảy ra tai nạn.

Chứng kiến cảnh tượng xót xa của những người không may gặp nạn, xuất phát từ cái tâm với mong muốn hỗ trợ những người bị nạn và với “vốn liếng” kiến thức về sơ cứu được đào tạo thời còn trong quân ngũ, ông Thọ đã bàn với anh em trong gia đình thành lập đội tự phát hỗ trợ người bị tai nạn giao thông.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thọ chia sẻ: “Là người dân sinh sống bên dọc quốc lộ nên tôi thường xuyên chứng kiến những vụ tai nạn giao thông rất đau lòng. Khi xảy ra tai nạn, lo sợ có thể bị lây nhiễm bệnh hoặc bị người thân của nạn nhân hiểu nhầm nên nhiều người dân e ngại, không muốn giúp đỡ người bị nạn. Vì thế, tôi cùng với cả gia đình mỗi người góp chút công sức, tiến hành sơ cứu và chở người bị nạn đi cấp cứu”.

Với gia đình ông Thọ, việc ông bỏ dở bữa cơm hay nửa đêm vùng dậy chạy ra đường là chuyện thường gặp trong nhiều năm qua.

Bà Hoàng Thị Sơn (vợ ông Thọ) tâm sự: “Nhiều lúc mưa gió, nửa đêm nhưng cứ thấy điện thoại báo có người bị nạn là ông ấy lại bật dậy lao đi nên tôi cũng xót ruột lắm. Ông bảo giúp đỡ mọi người là niềm vui, làm công việc ý nghĩa, nên tôi cùng các con cũng động viên, ủng hộ để ông ấy phấn khởi''.

anh-2-2-69-1666806783.jpeg
Ông Thọ luôn chuẩn bị kĩ càng, đầy đủ thuốc, bông băng, gạc,… tại Đội cứu hộ giao thông để sẵn sàng cho mỗi chuyến đi.

Năm 2006, Đội cứu hộ giao thông được thành lập do ông Thọ làm đội trưởng, “trụ sở” làm việc được xây dựng ngay trên chính mảnh đất của gia đình mình.

Nhớ lại vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra năm 2009 khi hai ô tô chở khách đâm vào nhau làm 8 người chết, nhiều người bị thương, ông Thọ kể: “Khi tai nạn xảy ra, có nhiều người chứng kiến nhưng e ngại và bị hoảng loạn nên không dám vào hỗ trợ người bị nạn.

Nhìn cảnh tượng đó, mặc dù trước nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ bởi nhiên liệu động cơ rò rỉ sau va chạm nhưng tôi cùng những thành viên của đội cứu hộ vẫn dấn thân khâm liệm người chết. Còn những người bị thương thì chúng tôi tổ chức sơ cứu kịp thời, đồng thời bảo vệ hiện trường chờ lực lượng chức năng đến”.

Với các nạn nhân không may gặp tai nạn giao thông, ông Thọ cho biết, khi nhận tin báo và tới hỗ trợ, chúng tôi nhanh chóng sơ cứu, đưa nạn nhân đến bệnh viện và tìm cách liên lạc với gia đình nạn nhân; đồng thời cử người ở lại để giữ hiện trường. Nếu chưa liên lạc được với gia đình, chúng tôi sẽ luân phiên túc trực ở bệnh viện, chờ đến khi liên lạc được và bàn giao lại cho người nhà nạn nhân thì mới yên tâm trở về.

Nhận thấy những việc làm ý nghĩa của ông Thọ, năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã hỗ trợ ông 1 chiếc xe cứu thương chuyên dụng cùng các trang thiết bị y tế như bình ô xy, cáng, thuốc,…; đồng thời đội ngũ nhân viên y tế luôn đồng hành với ông trong suốt quá trình thực hiện nghĩa cử cao đẹp.

Cũng từ đó, ông Thọ bận rộn hơn khi ngày càng nhận được nhiều thông tin của những người dân muốn nhờ ông giúp đỡ người bị nạn.

Ông Thọ chia sẻ, khi mới thành lập, đội chỉ có vài thành viên là anh em trong gia đình, đến nay đội có trên 10 người thường trực. Trước đây kinh phí mua thuốc, đồ sơ cứu hoàn toàn là do các thành viên tự bỏ tiền túi ra mua. Sau này, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Hội Chữ thập đỏ địa phương đã hỗ trợ đội các thiết bị y tế, thuốc; đặc biệt những người bị nạn và gia đình người bị nạn đã quay lại cảm ơn và hỗ trợ để đội có thêm kinh phí hoạt động.

anh-3-70-1666806783.jpeg
Ông Thọ (đội mũ bảo hiểm xanh) cùng các thành viên sơ cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông trên địa bàn xã Tiêu Sơn.

Không chỉ tích cực tham gia hỗ trợ người bị nạn, ông Thọ cũng luôn là người hăng hái trong việc tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tới những người dân địa phương và cũng là người luôn đi đầu trong các phong trào từ thiện, nhân đạo được các cấp phát động.

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2021, khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên khắp cả nước; cũng tại thời điểm đó, nhiều người dân ở Phú Thọ sinh sống khắp các tỉnh phía Nam đổ dồn về quê tránh dịch. Với tấm lòng chia sẻ, ông đã tự nguyện dùng xe cứu thương để chở những người dân đến các địa điểm cách ly.

Ghi nhận những việc làm hay, hành động đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ông Thọ, những năm qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ cùng các cấp, ngành của địa phương đã có những phần thưởng dành cho ông cũng như Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn.

Với ông Thọ, những thông tin nạn nhân được cứu sống, hay những cuộc điện thoại của người nhà và của nạn nhân gọi đến cảm ơn ông và các thành viên trong đội cứu hộ chính là những món quà giá trị nhất.

Vì thế, ai đã từng về xã Tiêu Sơn (huyện Đoan Hùng) hỏi thăm ông Phan Tất Thọ - Đội trưởng Đội cứu hộ giao thông xã, người dân nơi đây đều bày tỏ sự nể phục, ngưỡng mộ và dành nhiều lời khen cho người đội trưởng nhiệt tình, năng nổ, thân thiện, giàu tình người.

Hơn 30 năm qua, ông đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng cấp cứu các nạn nhân không may bị tai nạn giao thông; chưa một lần ông có suy nghĩ “cứu người hay không cứu người” mà luôn lấy phương châm “không bỏ rơi ai cả”. Những hành động và việc làm thiện nguyện của ông Thọ đã phần nào làm lay động trái tim những người dân nơi đây, từ đó tạo sức lan tỏa và ngày càng có nhiều người tự nguyện tham gia cùng ông trong việc cứu hộ.