Xe cứu thương miễn phí cho bệnh nhân nghèo
Câu chuyện về chiếc xe cứu thương đặc biệt của ông Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1960) và người cháu họ, anh Ngô Văn Thuận (sinh năm 1976) đã nổi tiếng khắp xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Hồi tưởng lại quãng thời gian năm 2015, ông Cường thủ thỉ, Trực Đạo là một trong những địa phương nằm cách xa trung tâm huyện, trung tâm tỉnh, mỗi lần có người đau ốm cần đưa đi viện, nhất là những trường hợp bệnh trọng cần cấp cứu việc gọi xe rất tốn kém và mất thời gian.
Thời điểm đó, ô tô cá nhân chưa nhiều, lại thêm phần người dân trong xã đều sống bằng nông nghiệp, ít có điều kiện để thuê xe. Thế nên, cứ có người cần đi cấp cứu thì người nhà lại tất tả chở đi bằng xe máy, vất vả lắm lắm.
Rồi hai cậu cháu nảy ra ý định mua xe để chở bệnh nhân đi bệnh viện. Ý định đó nhanh chóng được thực hiện, khi anh Thuận được người bạn giới thiệu có người trên Hà Nội muốn bán xe ô tô du lịch 16 chỗ đã qua sử dụng. Anh Thuận đã tự bỏ tiền túi để đi mua xe, thời điểm đó là hơn 100 triệu.
Theo ông Cường, tổng chi phí vừa mua xe, vừa chỉnh sửa để thành xe cứu thương lên đến hơn 200 triệu đồng. Sau khi được cấp phép hoạt động, anh Thuận đã tự lái xe về quê, giao cho ông Cường quản lý và có trách nhiệm đưa đón bệnh nhân tại địa phương đi các bệnh viện để khám bệnh khi họ yêu cầu.
Để đưa chiếc xe đi vào hoạt động tại địa phương, anh Cường và anh Thuận đã làm việc với UBND xã Trực Đạo và nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao từ Ban lãnh đạo xã. Họ liên kết với Trạm Y tế xã Trực Đạo bố trí cán bộ y tế đi cùng xe để trở bệnh nhân lên tuyến trên khi cần thiết.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, chiếc xe cứu thương miễn phí ngay lập tức phát huy hiệu quả, trở thành phương tiện giúp đỡ đắc lực và kịp thời cho người bệnh tại miền đất Trực Đạo.
Tháng đầu tiên chiếc xe vận hành, 8 người dân trong xã đã được cấp cứu. Như trường hợp ông Ngô Xuân Được, là thương binh, người nhiễm chất độc da cam ở thôn 10 đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện ở thị trấn Cổ Lễ bị khó thở. Sau khi nhận yêu cầu của người thân, xe cấp cứu từ thiện từ xã Trực Đạo qua Bệnh viện Đa khoa huyện Trực Ninh đưa ông Được lên bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu và điều trị.
Hay bà Nguyễn Thị Tẹo (xóm 13, xã Trực Đạo) bị ngã được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì chẩn đoán gẫy xương cẳng tay, cũng như ông Ngụy Hữu Hoán (SN 1954, xóm 11, Trực Đạo) bị tắc nghẽn phổi và phế quản co thắt được đưa lên Bệnh viện Bạch Mai.
Dù được yêu cầu đưa đi tuyến nào, lên bệnh viện tại Hà Nội hay tới bệnh viện đa khoa tỉnh, ông Cường cũng không nề hà. Những bệnh nhân mà ông Cường phục vụ đều là làng xóm láng giềng nên sau mỗi cuộc gọi ít phút là ông Cường có mặt.
Hạnh phúc sau tay lái…
Kể về chuyến xe khiến bản thân mình nhớ mãi, ông Cường tâm sự: "Mùng 5 Tết năm 2019, khi anh em họ hàng vừa ngồi vào mâm cơm sum họp thì tôi nhận được điện thoại của một gia đình tại Thôn 15. Cháu bé bị ngộ độc thuốc cần đưa đi cấp cứu gấp…".
Mâm cơm sum họp gia đình khi ấy đành gác lại, ông lái xe lên đường mà lòng chỉ mong cháu bé bình an vô sự. Cháu bé được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch, khi ấy ông Cường tưởng như được đón hai cái Tết trong một ngày.
Và cũng qua đó ông dần hiểu thêm và tin tưởng rằng mỗi chuyến xe đưa bệnh nhân đến bệnh viện an toàn, kịp thời là một niềm vui và sự động viên lớn lao bởi đã giúp đỡ được một người giành giật lại sự sống, giúp một gia đình có được hạnh phúc khi người thân được khỏe mạnh trở lại.
Gia đình và các bệnh nhân đều xúc động bởi tấm lòng thiện nguyện của ông Cường và anh Thuận. Bởi nếu tính theo giá thị trường, một chuyến xe cấp cứu vận chuyển từ xã Trực Đạo lên Hà Nội có giá vài triệu đồng, đối với nhiều gia đình nông thôn đó là khoản kinh phí không hề nhỏ.
Vốn nhà có nghề làm lợn đất, công việc bận rộn, đơn hàng rất nhiều, mọi không gian trong nhà đều được gia đình ông Cường dành làm nơi chứa hàng, muốn tìm lối chen chân để đi lại cũng khó… Thế nhưng, ông Cường vẫn "khăng khăng" dành phần đất rộng nhất, đẹp nhất ngay đầu lối vào để làm nơi đậu chiếc xe cứu thương.
"Đây là xe cấp cứu từ xã, bệnh nhân không nhiều và liên tục như ở bệnh viện nhưng lúc nào tôi cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng. Chỉ cần người bệnh yêu cầu là xe có thể lăn bánh được ngay", ông Cường cho hay.
Sau nhiều năm duy trì và tận tâm với một công việc đầy ý nghĩa, danh sách những người bệnh đã được ông Cường và chiếc xe đưa đi cấp cứu ngày một dài hơn. Ông bảo: "Việc làm của cậu cháu tôi xuất phát từ tâm, muốn làm từ thiện cho quê hương, giúp bệnh nhân nghèo giảm được một phần chi phí khi đi khám bệnh".
Chia sẻ về những chuyến xe ý nghĩa câu chuyện ý nghĩa của ông Nguyễn Văn Cường, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Trực Đạo bày tỏ: "Những chuyến xe cứu thương miễn phí của ông Cường không chỉ đáp ứng tốt hơn yêu cầu cấp cứu và điều trị, bảo vệ an toàn tính mạng người bệnh mà còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm và tinh thần đoàn kết của mảnh đất và con người xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh.".
Theo báo Tổ Quốc