“Nói chung người dân ai cũng chuẩn bị máy bơm, bờ tấn để mà giữ nước nhưng mà triều cường năm nay nó quá sá. Mưa sập xuống, nước lên trở tay không kịp thì thiệt hại tài sản của bà con cũng nhiều. Cụ thể bản thân tôi có hầm cá đi khoảng 2-3 tấn cá”, ông Bạc nói.
Theo ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nhiều đoạn đê bao trong huyện đã bị nước tràn qua ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo Thống kê sơ bộ, mực nước dâng cao đã gây ngập gần 1.300ha đất sản xuất của huyện, trong đó có gần 800ha cây ăn trái, gần 85ha rau màu và hơn 390ha mía, với độ ngập sâu từ 5-30cm. Bên cạnh đó, có 5 điểm trường bị ngập từ 5-20cm và gần 400km lộ giao thông, đường ô tô về trung tâm xã cũng bị ngập từ 10-20cm.
“Khi nước tràn qua bờ bao các vườn cây ăn trái đang cho trái thì bà con bao và bơm rất quyết liệt. Trước tình hình đó thì huyện đang rà soát lại các tuyến đê bao có vườn cây ăn trái đang cho thu nhập đó thì hướng dẫn bà con nông dân tôn cao lại và đang hỗ trợ bà con nông dân máy bơm để bơm bảo vệ vườn cây ăn trái cũng như các loại cây rau, màu và lúa”, ông Tuấn cho biết.
Lãnh đạo huyện Phụng Hiệp đã yêu cầu các địa phương tiến hành đóng các cống lớn, đồng thời vận động người dân chủ động gia cố đê bao cá thể giữ nước, tổ chức bơm thoát nước để giảm thiểu thiệt hại. Các xã thị trấn trong huyện phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện đang nhanh chóng khảo sát, kiểm tra diện tích đất sản xuất, hạ tầng bị thiệt hại do triều cường để kịp thời báo cáo về tỉnh có phương án hỗ trợ.
Ông Trần Thanh Toàn - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Triều cường dâng trong những ngày gần đây làm xuất hiện tình trạng ngập cục bộ ở các địa phương ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do mới gây ngập úng nên bước đầu chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể.
“Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai phòng chống ngập úng cục bộ cho khu vực đô thị, khu vực xung yếu, vùng thấp và bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường các hoạt động tuyên truyền kỹ năng ứng phó với dông lốc, mưa lớn, sét và triều cường, nhất là đối với những người dân vùng sâu, vùng xa để biết mà chủ động ứng phó, cũng như tổng hợp những thiệt hại của người dân để kịp thời xử lý cũng như có phương án hỗ trợ để giảm thiệt hại cho người dân trong sản xuất cũng như sinh hoạt”, ông Toàn nói.
Hiện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo của triều cường biển Đông thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ ảnh hưởng triều cường, mưa lớn gây ngập cục bộ. Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản; thu hoạch hoa màu, lúa… đến thời kỳ thu hoạch, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Theo VOV