Mô hình điểm hiệu quả
Phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai tại các trường tiểu học và THCS từ năm học 2014-2015. Hưởng ứng Phong trào này, ngay từ năm đầu triển khai, Hội Chữ thập đỏ huyện Mỹ Hào phối hợp với ngành Giáo dục huyện làm điểm mô hình tại 4 trường học gồm: Trường tiểu học Dị Sử, Trường tiểu học thị trấn Bần Yên Nhân và hai trường THCS Lê Hữu Trác, THCS Nhân Hòa.
Là một trong những điểm sáng về thực hiện phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó”, việc tiết kiệm để “nuôi lợn đất” của học sinh Trường THCS Nhân Hoà (Mỹ Hào) từ lâu đã trở thành một trong những hoạt động thường xuyên.
Qua 5 năm thực hiện mô hình “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó”, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 95/342 trường tiểu học, trung học cơ sở triển khai Phong trào.
Được triển khai từ năm học 2014 - 2015, đến nay phong trào nuôi lợn đất tại nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh. Với số tiền tiết kiệm từ 1.000 - 2.000đ từ tiền tiêu vặt hoặc bán phế liệu, các em sẽ cùng nhau nuôi lợn để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Dù giá trị khoản tiền tiết kiệm nuôi lợn đất không lớn nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương của học sinh và giáo viên trường THCS Nhân Hoà dành cho các em học sinh nghèo. Đến nay, mô hình đã trở thành một nếp quen được nhiều bạn học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo hưởng ứng đông đảo.
Ông Trần Quý Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Nhân Hoà (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Việc thực hiện phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó” tại nhà trường trong những năm qua đã mang lại rất nhiều hiệu quả. Mô hình đã thực hiện từ năm học 2014-2015 và thu được số tiền hơn 20 triệu đồng. Trong năm học 2017-2018, số tiền triển khai nuôi lợn đất được gần 50 triệu đồng, đây là một con số rất tích cực. Cộng với số tiền tồn từ năm học trước, số tiền thu được đạt con số gần 90 triệu đồng. Hiện tại, trường có 18 con lợn do học sinh nuôi và 1 con do các cô giáo nuôi”.
Để Phong trào thu được kết quả tốt, đội ngũ thầy, cô giáo nhà trường đã thường xuyên vận động, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào và truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam cho các em học sinh; từ đó giúp các em có ý thức tiết kiệm và tinh thần giúp đỡ bạn nghèo vượt khó. Thông qua các hình thức tuyên truyền cụ thể đã giúp các bậc phụ huynh và học sinh nhiệt tình hưởng ứng phong trào. Đặc biệt, với khẩu hiệu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương”, bản thân các thầy giáo, cô giáo đều tích cực tham gia phong trào bằng việc đóng góp vào lợn đất hàng ngày.
Sự sẻ chia thiết thực
Đối với các em học sinh, vào các ngày trong tuần, các em mang số tiền mình tiết kiệm từ tiền bán giấy vụn, vỏ lon hoặc tiền ăn sáng, tiền ông bà, bố mẹ thưởng để nuôi lợn. Với cách làm này, phong trào nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh và các em học sinh.
Là một trong những học sinh tích cực trong việc tham gia phong trào thường xuyên vận động các bạn trong lớp cùng tiết kiệm nuôi lợn, em Chu Hà Nam, học sinh lớp 9A1 - Trường THCS Nhân Hoà, hồ hởi kể: “Mỗi ngày em bớt tiền ăn sáng đi khi thì 1.000đ, lúc 2.000đ để đến cuối mỗi tuần cho lợn ăn, đây là việc làm quen thuộc từ lâu nay của em. Em thấy phong trào nuôi lợn đất giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn rèn luyện cho chúng em tính tiết kiệm và biết yêu thương, chia sẻ với bạn bè nhiều hơn. Những số tiền mỗi ngày bọn em tích cóp lại có thể giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn, ngay trong chính lớp em có bạn Linh, Duyên, Thanh, Thế Anh đã nhận được số tiền đó để mua đồ dùng học tập. Em thấy đây là hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa”.
Được nhận quà từ phong trào, em Nguyễn Thị Duyên, học sinh lớp 9A1 bày tỏ: “Nhờ có số tiền các bạn trong lớp nuôi lợn đất hỗ trợ mà em được tiếp tục cắp sách đến trường. Em rất vui và quý trọng số tiền mà các thầy cô, bạn bè chung sức giúp đỡ em trong suốt thời gian qua. Hiện tại, hàng tuần bản thân em cũng để dành một chút tiền thưởng; thu lượm giấy, sách, đồ dùng cũ bán lấy tiền cùng các bạn nuôi lợn đất của lớp chia sẻ đến những hoàn cảnh khó khăn hơn em”.
Cô giáo Tuấn Thị Hiếu, Giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1chia sẻ: ‘Từ phong trào này, bản thân các em đã có ý thức giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, các khoản tiết kiệm là từ tiền ăn sáng chỉ 1.000-2.000đ các em bớt lại sau mỗi cuối tuần sẽ cho lợn ăn, nhờ vậy trong lớp có một số bạn mồ côi đã nhận được số tiền hỗ trợ trích từ quỹ nuôi lợn dù không được liệt vào hộ cận nghèo, và chính bản thân các em đó cũng tích cực tham gia quỹ để giúp đỡ các bạn khác với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Năm ngoái, lớp thu được con số gần 4 triệu đồng từ sự tích cực của tất cả các em học sinh, một phần số tiền nuôi lợn được trích ra để giúp đỡ các em nhỏ ở Cao Bằng”.
Được biết, để phong trào nuôi lợn đất minh bạch, ở các trường trên địa bàn huyện Mỹ Hào đã thành lập Ban quản lý, công khai hoạt động của quỹ. Nhờ đó, phong trào nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh và các em học sinh.
Trao đổi về hoạt động nhân văn này, bà Phạm Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Mỹ Hào cho biết: “Bước sang năm thứ 5 thực hiện, các trường tham gia rất tích cực và phấn khởi. Mới đầu, phong trào chỉ được làm ở 4 trường điểm nhưng đến nay toàn huyện đã có 14/28 trường tiểu học và THCS triển khai phong trào nuôi lợn đất. Mỗi năm, sau khi mổ lợn xong sẽ hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao tiền mặt, mua cặp sách hoặc mở sổ tiết kiệm, chỉ giữ lại một số tiền nhỏ để mua lợn giống”.
Bà Phương cũng cho biết thêm, số quỹ thu được sử dụng vào việc trao quà, dụng cụ học tập, tặng học bổng, sổ tiết kiệm, hỗ trợ lúc ốm đau, rủi ro… cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng Phong trào tại các trường học trong huyện để những ý nghĩa tốt đẹp của phong trào thực sự lan toả sâu rộng trong cộng đồng xã hội.
Có thể thấy, với sự hưởng ứng của đông đảo thầy giáo, cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh, phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó” tại các trường học ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã và đang trở thành phong trào giàu ý nghĩa giáo dục. Hiệu quả lớn nhất thu được từ phong trào chính là việc dần hình thành, bồi đắp ở các thế hệ học sinh tinh thần tương thân, tương ái; ý thức tiết kiệm và trách nhiệm với cộng đồng. Dù giá trị vật chất không lớn nhưng mỗi con lợn đất đều chứa đựng những tình cảm yêu thương của học sinh, giáo viên dành cho học sinh nghèo.