Cụm thi đua các tỉnh Trung du – Việt Bắc và thành phố Hà Nội: Tổng trị giá hoạt động công tác Hội đạt hơn 321 tỷ đồng

Nguyễn Thị Hải Hà
Ngày 29/7, tại TP.Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ 6 tháng đầu năm Cụm thi đua các tỉnh Trung du – Việt Bắc và thành phố Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Khải - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phụ trách cụm thi đua; ông Bùi Văn Huấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phú Thọ (Trưởng cụm thi đua); ông Đào Ngọc Triệu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội (Phó Trưởng cụm thi đua); ông Lê Ngọc Duệ - Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thái Nguyên (Phó Trưởng cụm thi đua), cùng đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ 9 tỉnh trong cụm thi đua.

unnamed-1659082249.jpg
Ông Nguyễn Đức Khải - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phụ trách cụm thi đua phát biểu tại Hội nghị

Cụm thi đua các tỉnh Trung Du - Việt Bắc và thành phố Hà Nội (cụm thi đua) gồm 9 tỉnh thành phố gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kan, Lạng Sơn, Cao bằng, Phú Thọ, TP.Hải Phòng, TP.Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang. Với điều kiện kinh tế - xã hội nói chung của hầu hết các tỉnh trong Cụm thi đua còn gặp nhiều khó khăn, nhiều tỉnh nằm trong khu vực trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai và dịch bệnh, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn trung bình của cả nước.

Vượt lên mọi khó khăn, trong 6 tháng đầu năm, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh trong Cụm thi đua đã nghiêm túc kịp thời triển khai toàn diện các mặt công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, trong đó thường xuyên củng cố kiện toàn tổ chức Hội các cấp; công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được đổi mới sát thực tiễn, nhu cầu; các phong trào, các cuộc vận động được duy trì có trọng tâm, trọng điểm, chiều sâu nên thu hút đông đảo các tổ chức, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Đã kịp thời trợ giúp thiết thực những người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần giáo dục truyền thống nhân ái, tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các tỉnh, thành Hội đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác nhân đạo gắn với mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, các hoạt động luôn hướng về cơ sở, gắn với đối tượng hưởng lợi, đã thực sự lôi cuốn, thu hút cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và đông đảo các ngành, các đơn vị, các tầng lớp nhân dân tham gia. Triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" Xuân Nhâm Dần 2022; Tháng Nhân đạo; Công tác hiến máu tình nguyện, công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo, công tác quản lý, phát triển tình nguyện viên. Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị trong cụm ngày càng hiệu quả, thực chất. Tổng trị giá hoạt động công tác Hội toàn cụm 6 tháng đầu năm 2022 đạt 321,727 tỷ đồng, trợ giúp cho 643.432 lượt người.

Tại các tỉnh trong cụm, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành Hội thường xuyên trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch trong tổ chức các hoạt động và tổ chức đại hội cấp tỉnh, thành. Các đơn vị trong cụm đã hỗ trợ xây dựng 1 nhà nhân đạo cho hộ nghèo tại huyện Mỹ Đức, thành phố trị giá trên 200 triệu đồng. Một số đơn vị tổ chức các đoàn cán bộ, hội viên đi thăm quan, học tập mô hình, trao đổi kinh nghiệm công tác.

Với tinh thần tương thân, tương ái Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tổ chức các hoạt động tặng quà Tết, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các tỉnh; chỉ đạo các quận Hội, phường Hội đỡ đầu, trợ giúp các xã, huyện các tỉnh miền núi. Tổ chức tặng quà Tết vì người và nạn nhân chất độc da cam năm 2022, mô hình “Trường tới trường - Kết nối yêu thương”, Chương trình "Ngân hàng bò" đã hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ... Tổng trị giá gần 2 tỷ đồng.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo hai đơn vị Hội Chữ thập đỏ huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) và huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, với các hoạt động nhân đạo trong chương trình có tổng trị giá là 110 triệu đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội chỉ đạo hai đơn vị Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Lập và quận Bắc Từ Liêm tổ chức kết nghĩa, duy trì thường xuyên việc trao đổi thông tin, giới thiệu mô hình, trợ giúp địa chỉ nhân đạo, mỗi năm đạt từ 250-300 triệu đồng.

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, cụm thi đua cần Tập trung vận động nguồn lực cho chương trình thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh, chăm sóc Thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công nhân dịp ngày 27/7 và hỗ trợ học sinh nghèo đón Tết Trung thu, bước vào năm học mới; Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Tiếp tục vận động nguồn lực phát triển các dự án hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà Nhân đạo, Dự án “Ngân hàng bò”. Duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng “Bếp Tình thương” tại các cơ sở Y tế và trường học; Chủ động triển khai các mô hình công tác xã hội mới theo Nghị quyết Đại hội XI, tích cực phối họp để tổ chức các hoạt động: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2023 theo chỉ đạo của Trung ương Hội; Củng cố phát triển nguồn quỹ dự phòng, triển khai hoạt động cứu trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng khi có thiên tai, thảm họa xảy ra.

Tập trung triển khai công tác sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng: Bao gồm phát triển lực lượng hướng dẫn viên, tập huấn viên; tổ chức huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho các đối tượng trong cộng đồng; củng cố, phát triển các trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ; phát triển đội ngũ tình nguyện viên sơ cấp cứu Chữ thập đỏ; Phối hợp tổ chức khám bệnh tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí; Tiếp tục phối hợp tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe, phòng chống các bệnh dịch, nước sạch, vệ sinh môi trường và Luật an toàn giao thông, huấn luyện, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trong trường học và cộng đồng.

Ngoài ra, Cụm thi đua cũng đề nghị Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sớm ban hành hướng dẫn tổ chức, hoạt động của Cụm thi đua nhiệm kỳ 2022 - 2027 ngay sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề xuất với Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thí điểm đưa tổ chức Hội Chữ thập đỏ vào hệ thống các đơn vị được nhận ủy thác cho vay vốn, triển khai cho vay đối với cán bộ hội viên nghèo, đảm bảo quyền lợi và tăng cường gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội.

unnamed-1-1659082235.jpg
Toàn cảnh hội nghị.

Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hội đã thẳng thắn chia sẻ thẳng thắn về những tồn đọng, hạn chế đề xuất phát triển xây dựng Hội, cụm thi đua phát triển hơn nữa. Trong đó, có các vấn đề chính sách, công tác cán bộ Hội là các cấp cơ sở và tháo gỡ vướng mắc trong công tác triển khai hoạt động nhân đạo.

Đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Nguyễn Đức Khải - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phụ trách Cụm thi đua, đánh giá cao những kết quả mà Cụm thi đua đã được trong 6 tháng đầu năm.

"Trong 6 tháng cuối năm, cụm thi đua cần tập trung cho các hoạt động hướng tới Đại Hội Chữ thập đỏ Việt Nam toàn quốc; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và 2 chương trình mới của Trung ương Hội là “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”; Bước vào mùa mưa bão, thiên tai các tỉnh thành trong cụm cần chủ động phương án ứng phó, dự trữ nguồn hàng, chuẩn bị nguồn lực tại chỗ…; Bám sát định hướng kế hoạch hoạt động trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2023, để có những kế hoạch cụ thể phù hợp với từng địa phương. Về những tồn tại,hạn chế, khó khăn về chính sách, công tác cán bộ các cấp Hội, sẽ tập hợp trong báo cáo và trình thường trực trung ương Hội kịp thời tháo gỡ và giải quyết", ông Khải nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Nho Quế