Đầu tiên chúng ta cần hiểu nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song vẫn có những sự khác biệt về cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển. Hiện nay, vấn đề bảo đảm quyền con người đang ngày càng trở nên cấp thiết trước bối cảnh thế giới đầy biến động với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang tác động tới mọi quốc gia, dân tộc.
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động nhiều chiều đến khả năng thụ hưởng quyền con người và tác động mạnh tới các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của người dân. Trong khi đó, bạo lực và xung đột gia tăng, không chỉ đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển mà còn cản trở khả năng phục hồi của kinh tế thế giới. Cùng với đó, thiên tai, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tiếp tục tác động nặng nề tới đời sống của từng người dân. Bất bình đẳng tại mỗi quốc gia và giữa các quốc gia vẫn tiếp tục trở nên trầm trọng hơn.
Trong bối cảnh đầy thử thách này, Việt Nam đã luôn kiên định chủ trương xuyên suốt, nhất quán về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần” ; hay “lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”. Thực tế từ trước đến nay, vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền con người luôn được đặt là trọng tâm trong Hiến pháp, pháp luật và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trên cơ sở chính sách nhất quán đó, Việt Nam đã nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR). Đối với đại dịch COVID-19, Việt Nam xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người dân.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân, sau đúng một năm triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, Việt Nam đã tiêm hơn 260.241.660 liều vaccine phòng COVID-19 (tính đến ngày 13/10) và trở thành một trong 06 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Con số này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19, góp phần hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh, qua đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước dần trở lại cuộc sống bình thường.
Về kinh tế, bất chấp những khó khăn do dịch, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 2,58% năm 2021 và được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể trở lại mức từ 6,5-7% từ năm 2022 trở đi. Trong bối cảnh thế giới đang dần mở cửa, phục hồi sau đại dịch, Việt Nam cũng xác định theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm, bảo đảm quá trình tăng trưởng toàn diện và bền vững, qua đó xây dựng một xã hội công bằng cho tất cả mọi người, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và là động lực của phát triển.
Quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, Việt Nam đặc biệt quan tâm bảo vệ quyền lợi của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bình đẳng giới; bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, Việt Nam cũng ưu tiên thúc đẩy quyền sức khỏe trong bối cảnh phòng chống đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm, quyền được có việc làm tử tế gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, quyền giáo dục có chất lượng dựa trên công bằng về cơ hội và tiếp cận.
Việc trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 càng thể hiện sự kiên trì, nhất quán phương châm đặt người dân vào trung tâm các quyết sách, Việt Nam đã và đang ngày càng nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế định hình một tương lai tốt đẹp nơi quyền con người được bảo đảm một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh.
Dưới những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, tình hình nhân quyền tại Việt Nam cũng đang được thế giới nhìn nhận ngày một khách quan hơn, bất chấp nhiều luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá.
Theo đánh giá mới nhất về Việt Nam của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: "Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên Hợp Quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới".
Còn ông Jean-Pierre Archambault, Nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt thì cho rằng: "Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận".
Thu Hằng