Những năm gần đây, các đợt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… diễn ra với tần suất ngày càng lớn và nghiêm trọng trên địa bàn vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chính quyền các xã vùng cao ở Nam Trà My đã thành lập nhiều đội xung kích tình nguyện, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Anh Hồ Thanh Hiếu, ở thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My cho biết, anh và gần 20 thanh niên trong đội xung kích của xã từng lăn xả tham gia cứu hộ, cứu nạn qua nhiều mùa mưa bão. Ban đầu, các thành viên trong đội chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, sau nhiều đợt tập huấn, anh Hiếu và các thành viên trong đội được trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức để tham gia cứu hộ, cứu nạn an toàn và hiệu quả khi thiên tai xảy ra.
"Thông qua chương trình tập huấn ngày hôm nay, tôi cũng như bà con ở đây học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão lũ, sạt lở đất. Những gì tập huấn được áp dụng thực tế như sạt lỡ đất thì di dời đến nơi an toàn, hỗ trợ bà con, báo cáo chính quyền địa phương tiếp cận”- anh Hồ Thanh Hiếu cho biết.
Từ đầu năm, các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều khóa tập huấn kỹ năng ứng phó thiên tai. Các lớp tập huấn tại địa phương thường diễn ra ở nhà sinh hoạt cộng đồng để thuận tiện cho lực lượng cơ sở. Những buổi tập huấn này có sự tham gia của cán bộ cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và đại diện các đội xung kích có kinh nghiệm thực tiễn ứng phó với thiên tai. Nhờ đó, người dân vùng cao được tiếp cận các kịch bản ứng phó với thiên tai, chủ động hơn khi đối mặt với các diễn biến khó lường của thiên tai.
“Kế hoạch của chúng tôi tập huấn gồm có 2 chương trình: Giới thiệu sơ lược về tình hình thiên tai trên địa bàn xã, thứ 2 là tiếp cận thực tế bản đồ và thực hành các kỹ năng ứng phó thiên tai”- ông Hồ Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trà Mai, huyện Nam Trà My cho biết.
Hiện, các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch bố trí phương tiện và lực lượng để tiến hành thông đường ngay khi xảy ra ách tắc giao thông. Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, phương châm “4 tại chỗ” vẫn là giải pháp quan trọng, cấp bách trong ứng phó với các tình huống thiên tai.
“Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong năm nay, trong phương án và kịch bản phòng, chống thiên tai chúng tôi vẫn chú trọng nhất phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, lấy lực lượng tại cơ sở làm nòng cốt, người dân chủ động trong phòng, chống thiên tai, phát huy nội lực cơ sở, giảm thiệt hại khi tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn”- ông Trần Văn Mẫn cho biết.
Còn nhớ, hồi cuối năm 2020, tại các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam xảy ra những trận sạt lở núi, lũ quét kinh hoàng làm hàng chục người chết và mất tích. Thiếu kỹ năng và phương tiện cần thiết trong ứng phó với thiên tai, nhiều cán bộ cơ sở bị lũ cuốn trôi, bị đất đá vùi lấp khi tham gia cứu hộ, cứu nạn. Trong chuyến kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão tại tỉnh Quảng Nam, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị tỉnh Quảng Nam chủ động rà soát lại phương án sơ tán dân khi có thiên tai, chú trọng các phương án giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng.
“Khi lũ quét và sạt lở đất xảy ra chúng ta không thể khẳng định rằng chúng ta có thể đến ngay để cứu được bà con. Đề nghị các đồng chí chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị nhất là cơ quan phòng chống thiên tai ở cấp xã, lực lượng xung kích cấp xã phải rà soát ngay, chịu trách nhiệm về số lượng, danh sách những hộ dân mất an toàn”- ông Trần Quang Hoài cho biết./.
Theo VOV