Chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai những năm qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, cụ thể là vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn; khả năng ứng phó với tình huống thiên tai lớn còn bị động, lúng túng...

Tối 29/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề "Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mùa mưa bão" cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường), đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau. Buổi Tọa đàm được phát trực tiếp trên Facebook tại địa chỉ facebook.com/phongchongthientaivn.

Chú thích ảnh Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường tại tỉnh Sơn La bị chia cắt. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Đề cập tới những khó khăn cũng như các giải pháp phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai Quảng Văn Việt chia sẻ, là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất, những loại hình thiên tai này đã gây nhiều thiệt hại cho địa phương. Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022 phù hợp với diễn biến thời tiết nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ động kiểm tra các vị trí tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trực ban nghiêm túc... để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản đối với tỉnh trong nhiều năm qua. Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão sắp tới, tỉnh sẽ khẩn trương tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, tăng cường diễn tập công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống thiên tai, phát huy vai trò của lực lượng xung kích tại cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai qua loa truyền thanh, mạng xã hội...

Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai thông tin, do chịu ảnh hưởng nhiều bởi mưa to, sóng lớn nên thiệt hại về thiên tai tại tỉnh Cà Mau là rất lớn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022 phù hợp, trong đó tập trung vào những vấn đề cụ thể như: kế hoạch ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa dông trên biển, mưa lớn, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn...

Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho rằng, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai những năm qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, cụ thể là vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn; khả năng ứng phó với tình huống thiên tai lớn còn bị động, lúng túng; công tác khắc phục hậu quả thiên tai triển khai còn chậm; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, cũng như công trình phòng, chống thiên tai còn thấp; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu...

Để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hạn đến mức thấp nhất, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung xây dựng, bồi dưỡng và củng cố đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông để thay đổi nhận thức đối với tất cả các cấp và người dân: thực hiện đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng giai đoạn phòng chống thiên tai, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng nhóm cộng đồng, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương.

Các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện chính sách, cơ chế và kế hoạch tăng cường sự phối hợp với tất cả các cấp, ngành, huy động sự tham gia các tổ chức xã hội, các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án đã và đang triển khai về công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng...

Chia sẻ về diễn biến thời tiết trong thời gian qua cũng như nhận định về các hình thái thời tiết từ nay đến cuối năm 2022, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong 8 tháng năm 2022, thời tiết, thiên tai và khí hậu đã có những diễn biến khác so với vài năm gần đây, như ngay từ tháng 3/2022, các tỉnh Nam Trung Bộ đã có một đợt mưa đặc biệt lớn. Mưa xuất hiện sớm ở Bắc Bộ, mưa đầu mùa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, mưa lớn với lượng cao kỷ lục trên 100 mm đã gây ngập diện rộng...

Mưa bão năm 2022 đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, số lượng bão từ tháng 6-8/2022 thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Từ những diễn biến phức tạp của các hình thái thời tiết trong thời gian qua, ông Khiêm cho biết, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang dần tăng cường chất lượng, quy mô, thời hạn dự báo để đưa ra các dự báo kịp thời.

Nhận định về thời tiết từ nay đến cuối năm 2022, ông Khiêm thông tin, mùa Đông dự báo bắt đầu sớm hơn bình thường. Tháng 10-11/2022 có khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh. Cùng với đó, lượng mưa tại khu vực miền Trung cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-35%. Vì vậy, các địa phương trong khu vực cần đề phòng nguy cơ ảnh hưởng của mưa lũ lớn có thể xảy ra.

"Về dấu hiệu diễn biến thời tiết xa là vậy, mức độ cực đoan thời tiết cụ thể, Trung tâm cần theo dõi tiếp và cảnh báo trong thời gian ngắn trước 3-5 ngày", ông Khiêm nhấn mạnh.