Lớp dạy bơi, phòng đuối nước miễn phí
Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều công văn về tăng cường giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè, khi tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn xảy ra.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa ban hành Kế hoạch số 40/KH-SGDĐT về việc triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh năm 2023.
Chính vì lo lắng trước những nguy hiểm, rủi ro do đuối nước với trẻ em, cô Nguyễn Thị Thơm (sinh năm 1990) - Giảng viên khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã quyết định mở lớp dạy bơi và kỹ năng phòng đuối nước miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Thơm tâm sự: “Mặc dù nơi tôi sinh sống và làm việc không phải là nông thôn, nhưng thực sự không phải cứ ở thành phố là tất cả các gia đình đều khá giả, cũng có những gia đình không có điều kiện cho con em đi học bơi. Và tôi muốn tạo điều kiện cho những học sinh như vậy.
Cô Nguyễn Thị Thơm - Giảng viên khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh, sinh viên nghèo. Ảnh: NVCC. |
Lúc còn đi dạy ở một trường trung học cơ sở cách trung tâm tỉnh chỉ độ 2-3km nhưng tôi thấy còn nhiều em rất khó khăn... và qua hỏi thăm, tôi biết được, hằng năm nhà trường vẫn có học sinh bị đuối nước.
Đặc biệt, trong một buổi khi đang dạy bơi, tôi nhìn thấy một phụ huynh là công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn hớt hải đi tìm con... Hóa ra có học sinh xin mẹ đi tổng kết, nhưng đến tận 2 giờ chiều, khi theo dõi qua camera vẫn chưa thấy con, lo sợ con đi chơi đâu đó, chị tìm xung quanh tất cả hồ nước, hồ bơi gần nhà không thấy con nên vô cùng lo lắng.
Nhìn thấy phụ huynh ấy nghẹn ngào khi vừa đi vừa hỏi thăm từng người xem có biết con chị đang ở đâu không, tôi nhận ra, động lực sống của mỗi bậc phụ huynh chính là con cái, con là nguồn sống, là niềm tin, là tình yêu, là hạnh phúc, là sự phấn đấu duy nhất của bố mẹ, và sự an toàn của các em, chính là sự an toàn của họ.
Vì vậy, tôi hiểu những lo lắng của phụ huynh mà gia đình không có điều kiện cho con đi học bơi, họ sợ rủi ro, sợ con vì một phút quên lời dặn mà rủ nhau đi tắm ao hồ, sông suối khi chưa có kỹ năng bơi lội.
Vậy nên, từ lúc đó, tôi nung nấu ý định tổ chức khóa học miễn phí cho trẻ em nghèo và triển khai thực hiện. Đến với lớp học miễn phí của tôi, các em học sinh không cần phải có những tờ giấy chứng nhận hộ nghèo hay xác nhận khó khăn gì, chỉ đơn giản là tôi thấy điều kiện của các em không thể đến một lớp học thêm ở trung tâm hay một khóa học bơi phải trả phí bình thường, được giáo viên chủ nhiệm lớp xác nhận là gia đình không đủ khả năng chi trả chi phí thì tôi nhận các em vào học”.
Mô hình dạy bơi và trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước của cô giáo Nguyễn Thị Thơm được ấp ủ từ năm 2016, đến 2019 cô bắt đầu mở lớp dạy bơi miễn phí đầu tiên.
“Để tôi có thể tổ chức các lớp học miễn phí thành công thì một phần công lao lớn là nhờ vào sự đồng hành, ủng hộ của các thầy cô trong khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Từ đó đến nay, chúng tôi cũng đã hỗ trợ được hàng trăm học sinh, và cả sinh viên. Các em được học bơi miễn phí, và có em còn được học thêm các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về bơi, cùng hỗ trợ cô Thơm trong các lớp học khóa sau.
Theo cô Thơm, biết bơi chưa hẳn là đủ để phòng tránh đuối nước. Ảnh: NVCC. |
Thế nhưng, dạy bơi cũng vô cùng vất vả, đòi hỏi thể lực cao, tinh thần, ý chí kiên cường, nghị lực vượt khó để gắn bó với nghề. Có rất nhiều sinh viên được tôi chỉ dẫn, nhưng cũng chỉ 5-10 em đủ tâm huyết, sức khỏe, đủ năng lực để theo nghề, để hỗ trợ và làm việc cùng cô trao đi những giá trị cho cộng đồng” - nữ giảng viên bộc bạch.
“Mỗi khi nghe thông tin về một học sinh bị đuối nước, trong lòng tôi đều cảm thấy xót xa, thấy trách nhiệm của mình cần làm nhiều hơn, công tác tuyên truyền về đuối nước cũng cần được lan tỏa rộng, thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Trước đây, tôi đi dạy, thấy hầu hết giáo viên dạy bơi thường chỉ chú trọng vào dạy kỹ năng bơi... Nhưng không hẳn là cứ chưa biết bơi mới bị đuối nước, vì những em chưa biết bơi chưa chắc đã dám xuống nước, mà thực trạng ở Việt Nam, có nhiều trẻ bị đuối nước đều đã biết bơi. Vậy lý do vì sao?
Việc học bơi không phải chỉ để biết bơi là xong, mà cần phải hiểu kỹ năng chuyên sâu hơn trong môi trường nước, khi hiểu thấu rồi thì sẽ giúp các em tự tin và an toàn ở môi trường này.
Tâm lý chung của nhiều người vẫn thường cho rằng, mình chỉ cần biết bơi là sẽ không bị đuối nước và có thể cứu được người khác. Mỗi khi bắt đầu một khóa học nào đó, tôi thường hỏi học viên của mình: Khi các em biết bơi, các em đã đủ khả năng để cứu người khác chưa? Và phải hơn 95% các em sẽ trả lời là biết bơi thì sẽ cứu được người khác...
Đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm về việc cứu đuối, vì để cứu được người đang bị đuối nước còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như: kỹ năng cứu đuối, thời điểm cứu người, thể lực, kỹ năng biết bơi thành thạo ở mức độ nào, tâm lý người bị đuối nước, chưa kể sự am hiểu về địa hình của các khu vực như ao hồ, sống suối, dòng chảy nước ngầm…
Hiện tại, cô Thơm vẫn đang mở khóa học bơi miễn phí tại các bể bơi tư nhân, và thường bỏ tiền túi ra mua vé cho học sinh học bơi. Ảnh: NVCC. |
Gần đây, có những vụ đuối nước thương tâm xảy ra, nhiều em học sinh cùng đuối nước do rủ nhau đi bơi ao hồ, sông suối. Có những trường hợp không phải vì tất cả các em không biết bơi, mà do các em đã biết bơi nhưng chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cứu đuối cần thiết, như chưa biết chọn những vị trí, thời điểm hợp lý để cứu được người…
Vậy nên, các em học sinh đến với khóa học, sẽ không chỉ được học bơi miễn phí mà còn được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết” - cô Thơm cho biết.
Khóa học miễn phí của cô Thơm thường bắt đầu khi chớm hè hoặc cuối hè, thường kéo dài khoảng 10 buổi, tuy nhiên nếu có những bạn vẫn còn yếu sau 10 buổi đó thì sẽ được học thêm ở những khóa sau trong chính mùa hè đó.
Mỗi buổi học thường diễn ra trong khoảng 1,5-2 tiếng, học sinh sẽ được chỉ dạy, tuyên truyền các kiến thức về an toàn trong bơi, phòng đuối nước cũng như cứu đuối an toàn. Bài học thường có 2 phần trên cạn và dưới nước, nội dung chương trình học được xây dựng thành từng bài học cụ thể để phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Mỗi buổi học thường diễn ra trong khoảng 1,5-2 tiếng. Ảnh: NVCC. |
Cô giáo Thơm cũng thường phân chia các lớp học bơi theo lứa tuổi, các em học cấp 1 sẽ học chung một khóa, các em học cấp 2 sẽ được học chung một khóa, để thiết kế nội dung giảng dạy phù hợp với tất cả các học sinh trong cùng một lớp.
Hạnh phúc lớn nhất của cô Thơm là được nhìn thấy sự thay đổi ở mỗi học trò của mình: “Có những em đến với khóa học bơi miễn phí, trước đó còn trong tình trạng sợ nước, có em nhìn thấy bể bơi là cứng hết người, òa khóc nức nở, những bạn này để học hết chương trình bơi thì cần mất nhiều thời gian hơn...
Nhưng sau khi học một thời gian, các em không còn sợ nước nữa, khi làm được như vậy, bản thân các em tỏ ra rất vui và tự hào vì mình đã vượt qua được nỗi sợ. Và tôi cũng thấy vui lây”.
Hiện tại, cô Thơm vẫn đang mở khóa học bơi miễn phí tại các bể bơi tư nhân, và thường bỏ tiền túi ra mua vé cho học sinh học bơi.
“Nếu tôi có thể tuyển được số lượng đông học sinh muốn tham gia khóa học bơi miễn phí và tập trung thành được một lớp lớn thì có thể sẽ được bể bơi hỗ trợ khoản vé này; tôi dự kiến từ giờ đến trước ngày 20/4 sẽ tập hợp học trò, mở lớp dạy bơi miễn phí, số lượng dự kiến từ 20-25 học sinh” - cô Thơm bật mí.
Truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo tương lai
Trong quá trình dạy miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Nguyễn Thị Thơm cũng kết hợp tạo việc làm cho sinh viên.
Cô cho biết: “Đối với các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng tạo điều kiện để các em tham gia các khóa học bơi và kỹ năng phòng chống cứu đuối trong môi trường nước miễn phí, đó là cơ hội để các em rèn luyện, học tập; ngoài ra, khi gặp tình huống đuối nước có thể giúp đỡ người khác, đồng thời, đó cũng là dịp để các em học việc, sau này ra trường có thêm “nghề tay trái”, để có thể tạo thêm thu nhập.
Các khóa học này chủ yếu đào tạo sinh viên biết bơi và có các kiến thức sinh tồn dưới nước, sau đó, tôi sẽ tạo cơ hội làm việc để các em sinh viên có thể vừa hỗ trợ cô trong công tác dạy bơi miễn phí, vừa hỗ trợ các giáo viên dạy trung tâm khác để có thêm thu nhập, trang trải phần nào chi phí học tập.
Sau khi đã tốt nghiệp các khóa học miễn phí, khi tôi tổ chức thêm các lớp học miễn phí khác cho học sinh tiểu học, phổ thông, chính các em sinh viên sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm cho cô giáo, giúp cô bao quát lớp và trực tiếp xuống bể kèm thêm cho học sinh, để giúp đẩy nhanh tiến độ học tập học sinh; mặt khác, việc này cũng giúp chính sinh viên có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn bơi.
Mặc dù có nhiều sinh viên tốt nghiệp khóa học bơi đã ở lại làm cùng cô, nhưng tôi ấn tượng nhất với một bạn sinh viên người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, nhưng lại rất chịu khó, cùng đồng hành với cô giáo, hỗ trợ các lớp bơi của cô suốt 4 năm sinh viên”.
Sinh viên sau khi “tốt nghiệp” khóa học bơi của cô Thơm, lại tham gia hỗ trợ cô trong các lớp dành cho học sinh sau đó. Ảnh: NVCC. |
Cô Thơm cũng luôn dặn dò các sinh viên của mình: “Sau này, về địa phương nếu các em muốn mở thêm các lớp học bơi thì hãy cân nhắc đến hoàn cảnh gia đình của học trò, chẳng hạn miễn phí cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vừa dạy học, vừa giúp đỡ trẻ nhỏ có kỹ năng bảo vệ bản thân dưới nước”.
“Học bổng cô Thơm”
Không chỉ vậy, cô giáo Nguyễn Thị Thơm còn bỏ tiền túi, trích ra những “học bổng” nho nhỏ trao cho chính các sinh viên vùng cao trong trường, có hoàn cảnh khó khăn, và có kết quả học tập tốt.
“Các em sinh viên này sẽ được trường và khoa rà soát, giới thiệu. Những phần học bổng đó mang tính động viên nhiều hơn, tạo động lực khuyến khích thêm cho sinh viên trong học tập” - cô Thơm chia sẻ.
Bên cạnh việc mở lớp học bơi miễn phí, cô giáo Nguyễn Thị Thơm còn rất say mê với các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Hằng năm, cô Thơm thường tặng quà cho học sinh tại một số trường phổ thông vào dịp đầu năm học mới.
“Tôi chỉ mong các em hãy thoải mái đón nhận, và nếu thấy đó là điều ý nghĩa, hãy học tập thật tốt để lan tỏa tình yêu thương và sự chăm sóc, liên kết với mọi người xung quanh” - nữ giảng viên cho biết.