Bão sẽ phức tạp và trái quy luật
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, hiện tượng El Nino đã bắt đầu từ đầu tháng 6. Dự báo El Nino tiếp tục phát triển từ nay đến hết năm 2023 và duy trì sang năm 2024 với xác suất khoảng 80%-90%; thời gian mạnh mẽ nhất của trạng thái El Nino sẽ xảy ra từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024 với xác suất El Nino có cường độ mạnh vào khoảng 84%.
Năm nay, dự báo có khoảng 9-11 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 4-5 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Tổng lượng mưa năm nay ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm. Mặc dù ít có khả năng mưa lớn diện rộng lịch sử, nhưng mưa lớn cục bộ sẽ vẫn xuất hiện thường xuyên. Dự báo hạn mặn mùa khô 2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức tương đương trung bình nhiều năm (giai đoạn 2012-2021) và thấp hơn so với năm 2022.
Trong tháng 5, nhiệt độ bề mặt nước biển cao hơn mức bình thường ở hầu hết các khu vực xích đạo Thái Bình Dương. Hoạt động đối lưu gần như không hoạt động trong suốt tháng 4, đã thay đổi thành gió gần bình thường, gió đông ở tầng đối lưu thấp hơn (gió tín phong) trên vùng xích đạo trung tâm Thái Bình Dương cũng suy yếu xuống gần bình thường. Những hình thái, biểu hiện của đại dương và khí quyển cho thấy El Nino đang hiện hữu.
"Dựa trên một số thống kê khí hậu, có thể đưa ra nhận định, trong thời gian tới đối với Việt Nam, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện có thể không nhiều, tập trung vào chính giữa mùa, nhưng diễn biến phức tạp, trái quy luật", ông Hòa nói.
El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25% đến 50% (rõ rệt nhất là ở Bắc Trung bộ). Vì thế, nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt.
Mặc dù trong điều kiện El Nino, lượng mưa có xu thế giảm, nhưng có thể xuất hiện các kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ. Ví dụ như mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7-2015 tại Quảng Ninh khi El Nino hoạt động; hoặc đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9-2009 sau cơn bão số 9 (Ketsana) tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, đỉnh lũ năm 2009 vượt báo động 3 tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên. Điều này cho thấy, El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai, trong đó có 37 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 158 trận dông lốc, sét, mưa đá; 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; 201 trận động đất và 323 vụ sạt lở, triều cường… Thiên tai trên cả nước đã làm 52 người chết, mất tích.
Thời gian tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước để cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn...
Dự báo diễn biến bão số 2
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đầu năm 2023 đến nay, Biển Đông mới đón nhận 1 áp thấp nhiệt đới và 1 cơn bão số 1 (Talim). Hiện ở ngoài khơi Thái Bình Dương, thuộc phía Đông Philippines, đang tồn tại một cơn bão mới, tên quốc tế là Doksuri, có mức ảnh hưởng rất rộng, cường độ rất mạnh.
Mặc dù cơn bão này có xu hướng đổ bộ vào Đài Loan (Trung Quốc) nhưng gián tiếp kích hoạt gió mùa Tây Nam ở Nam bộ. Sau cơn bão này, từ nay đến cuối tháng 8, Biển Đông có thể có 1-2 cơn bão mới. Do tác động của bão Doksuri, mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, mưa dông ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận còn có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản nhận định, Doksuri sẽ mạnh lên thành siêu bão trước khi đi vào Bắc Biển Đông và đổ bộ vào khu vực tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông của Trung Quốc khoảng ngày 28/7.
Do ảnh hưởng của bão Doksuri, từ chiều nay, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ chiều và đêm ngày 26/7 mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-13, giật cấp 16, biển động dữ dội, sóng biển cao 5-7m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ngày và đêm 25/7, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngày và đêm 26/7, vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 2-5m.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Bão Doksuri hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào 20/7, sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão vào sáng 21/7, trở thành cơn bão thứ 5 trên Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay. Do gặp điều kiện rất thuận lợi, bão Doksuri tăng cấp rất nhanh, được dự báo là siêu bão thứ trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương năm nay.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, từ nay đến nửa đầu tháng 8, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động và có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông. Dự báo từ ngày 21/7-20/8 có khoảng 1- 2 cơn áp thấp nhiệt đới/bão hoạt động trên Biển Đông.
Tô Hội