Thời gian qua, không chỉ Hà Nội mà số ca mắc sốt xuất huyết tại Tp.HCM và khu vực phía Nam cũng tăng mạnh, với nhiều ca bệnh nặng, tử vong... Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết.
Lý giải về số ca mắc sốt xuất huyết tăng vượt qua 300.000 ca với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, có 2 loài muỗi sốt xuất huyết thuộc họ chi Aedes gồm: Aedes albopictus và Aedes aegypti (muỗi vằn nhỏ) đây là tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết.
"Việt Nam là nước nhiệt đới, vào mùa này thường không quá nóng vì đặc điểm của muỗi quá nóng hoặc quá lạnh không sản sinh được nhiều. Vì thế, đây là thời điểm muỗi phát triển thuận lợi nhất", ông Hùng cho hay.
Thông tin thêm về biểu hiện khi bị sốt xuất huyết, ông Hùng cho biết biểu hiện của sốt xuất huyết thường sốt cao, nặng là xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết nội tạng (như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu là những trường hợp nặng cần phải vào bệnh viện), tụt huyết áp.
“Điều quan trọng nhất là khi bị sốt phải nghĩ ngay đến là bị sốt xuất huyết vì hiện nay đang có dịch”, ông Hùng lưu ý.
Thêm nữa, theo chuyên gia cần phải kiểm soát được nhiệt độ cơ thể để tránh trường hợp sốt quá cao.
“Khi sốt thường sẽ mất nước, điện giải nên cần thường xuyên bù nước điện giải, đặc biệt là dung dịch oresol. Với những trường hợp không uống được hoặc sốt cao quá thì có thể phải truyền dịch, nhưng uống được nước vẫn là tốt nhất”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Trước thông tin nhiều người truyền tai nhau bị sốt xuất huyết nên ăn thịt bò, thịt gà để tăng tiểu cầu, ông Hùng cho rằng hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh.
“Quan trọng khi bị sốt xuất huyết là phải bù được nước, điện giải và theo dõi sát giai đoạn từ ngày thứ 4-5 trở đi khi hết sốt, cần theo dõi huyết áp và tình trạng xuất huyết”, ông Hùng cho hay.
Với người bị bệnh sốt xuất huyết, ông Hùng cho rằng nên bổ sung nước hoa quả như dừa, cam, tăng vitamin, đặc biệt vitamin C ổn định thành mạch. Với trẻ nhỏ sốt cao, không uống được nước, mệt li bì thì phải đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị kịp thời.
“Những người từng bị sốt xuất huyết vẫn có khả năng bị lại nên không được chủ quan”, ông Hùng cho biết thêm.
Ông Hùng cũng khuyến cáo các gia đình nên thường xuyên dọn dẹp, tránh để nước ứ đọng ở các chậu cây, lu đựng nước… nếu trồng cây có nước cần thiết phải mua thuốc diệt bọ gậy để tránh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, cũng cần phải có thói quen đi ngủ mắc màn.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (62.106/24) số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vào ngày 13/11, trong tuần từ (4-11/11) ghi nhận 1.343 mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước. Nhiều bệnh viện trong tình trạng kín giường.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 1.500 người sốt xuất huyết. Trong đó, khoảng 30-40% trường hợp nặng như suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị khoảng 100 bệnh nhân nội trú sốt xuất huyết mỗi ngày.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương số trẻ mắc sốt xuất huyết tăng gấp 2 lần so với tuần trước, hiện đang có khoảng 40-50 trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú. Nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng, tính đến nay Hà Nội đã có 12 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Tp. Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021).
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật