Hàng loạt bệnh nhân nhập viện vì tự ý truyền dịch chữa sốt xuất huyết

Nguyễn Diệp Linh
Nhiều người khi mắc sốt xuất huyết cảm thấy mệt mỏi, rã rời, sốt cao, đi đứng không vững và không thể ăn uống... nên tự ý truyền dịch với hy vọng bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là điều rất nguy hiểm.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết Trung tâm đang điều trị cho hàng chục bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, đều là những trường hợp nặng hoặc cảnh báo nặng như nôn, buồn nôn, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Đáng chú ý, khác với mọi năm, năm nay số trẻ thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết tăng. “Mọi năm chỉ 1 hoặc 2 bé nhưng năm nay gần chục trẻ nhập viện điều trị. Trẻ béo phì là yếu tố tiên lượng nặng khi mắc sốt xuất huyết”, TS Hải nói. Một điểm đáng chú ý, những năm trước, bệnh nhân đến trong tình trạng nhẹ hơn. Năm nay, tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết vào đông, chiếm 50-75% nhập viện và có dấu hiệu cảnh báo: sốt cao, thiếu dịch, thừa dịch (do người nhà tự truyền), tiểu ít, huyết áp không ổn định, mệt mỏi.

image0-9079-1668733358.jpegBệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: báo Tiền Phong
 

“Đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng thừa dịch. Tình trạng này rất nguy hiểm vì khi truyền dịch bác sĩ tính liều lượng rất sát sao, điều dưỡng theo dõi quá trình truyền dịch 15-30 phút, 1 tiếng mỗi lần. Các chỉ số được điều dưỡng ghi chép rất chi tiết từ liều lượng, huyết áp, nhịp thở đến số lượng nước tiểu, ăn được bao nhiêu… để cân đối lượng dịch ra và vào của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu tự truyền dịch tại nhà thì bệnh nhân sẽ không tính được những yếu tố nói trên. Truyền quá đà sẽ dẫn đến các triệu chứng cảnh báo như nôn, buồn nôn, đau bụng, khó thở do tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi… khi nhập viện đã ở tình trạng xấu. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm, nôn do thiếu dịch”, thạc sĩ Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự ý điều trị, cần đến bệnh viện khám để được bác sĩ giải thích, hướng dẫn tư vấn cách điều trị tại nhà.

TS Hải thông tin, hiện nay số người mắc sốt huyết không nhiều hơn so với những bệnh khác như cúm, Adenovirus, nhưng nhiều hơn so với 2 tuần trước. Trước chỉ 5-7 bệnh nhân nhập viện còn hiện tại có hơn 20 bé đang điều trị. “Tiêu chí nhập viện là những bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc và phương pháp mà ở nhà không thể làm được. Như trẻ không ăn được, không hạ sốt. Còn trẻ mắc sốt xuất huyết thể nhẹ nên điều trị tại nhà vì ở nhà chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Thêm nữa sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh khác qua đường hô hấp như cúm, Adenovirus hoặc bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện. Nên lưu ý theo dõi, nếu thấy nguy cơ nặng lên như sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, trẻ mệt mỏi, nôn nhiều, đau bụng, dấu hiệu nguy cơ nặng phải đưa đi viện”, TS Hải nói. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phần lớn bệnh nhi có dấu hiệu cảnh báo như buồn nôn, nôn nhiều, sốt cao...

Đầu tháng 7 vừa qua, vụ việc một phụ nữ mắc sốt xuất huyết bị tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư tại quận Bình Tân (TP.HCM) cho thấy sự cẩn thiết phải cẩn trọng khi truyền dịch. Trước đó, chị T.T.H. (28 tuổi) bị sốt, đau đầu, đến thăm khám có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Để xử trí, phòng khám đã truyền dịch, ngay sau đó chị H. đột ngột chuyển nặng và được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Tuy nhiên bệnh nhân đã bị ngưng tim, ngưng thở và được kết luận là tử vong trước khi đến bệnh viện.
Năm 2016, một nữ bệnh nhân 20 tuổi (ngụ TP.HCM) vào một phòng khám vì sốt, tụt huyết áp, được chỉ định truyền dịch song tình trạng trở nặng, tử vong. Kết quả điều tra sau đó xác định bệnh nhân tử vong do viêm cơ tim cấp, nặng và lan rộng toàn bộ.

Hạnh (T/h)