Theo Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 9.212 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 6.430 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.782 vụ va chạm giao thông, làm 5.221 người chết, 3.312 người bị thương và 2.828 người bị thương nhẹ.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang tới gần, không ít những lo ngại về tình hình tai nạn giao thông sẽ tiếp tục gia tăng. Để tìm hiểu về những giải pháp nhằm giảm thiểu tại nạn giao thông cũng như số người thương vong trong dịp lễ Tết, Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Khương Kim Tạo – Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Ủy ban ATGT Quốc gia).
Theo TS. Khương Kim Tạo, tình hình giao thông ở Việt Nam bấy lâu nay vẫn luôn là một vấn đề nan giải. Để có được những giải pháp hiệu quả, cần phải huy động cả hệ thống Chính trị vào cuộc, không nên chỉ đẩy trách nhiệm cho ngành Giao thông hay Công an.
Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông hiện nay là việc sử dụng rượu, bia và sự bất cẩn trong quá trình tham gia giao thông của người dân. Để khống chế những hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, lực lượng chức năng cần phối hợp, tăng cường tuần tra, kiểm soát thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; Sử dụng những hệ thống công nghệ tiên tiến để giám sát giao thông.
"Toàn dân đều có thể tham gia vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông bằng cách phát hiện, chụp hình, ghi hình, ghi âm người vi phạm, rồi gửi cơ quan chức năng, lấy đó làm cơ sở để xử lý vi phạm. Đây là một sáng kiến rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.
Để làm được điều này, cần phải có sự tuyên truyền để toàn dân biết đến, thực hiện, chấp hành tốt hơn. Đây cũng là một trong những cách thức để răn đe những người cố tình vi phạm", ông Khương Kim Tạo nhấn mạnh.
TS. Khương Kim Tạo – Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục là điều quan trọng giúp giảm thiểu tai nạn giao thông
Cũng theo Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, để giảm thiểu những vấn nạn giao thông thì việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục là quan trọng nhất. Điều này sẽ giúp người dân có trách nhiệm, ý thức hơn.
"Ý thức người dân giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Nên phải tuyên truyền làm sao để người dân ý thức được rằng, không được sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông; khi tham gia giao thông thì cần phải cẩn trọng, đi đúng tốc độ cho phép, giữ khoảng cách an toàn giữa các xe, không lạng lách, đánh võng…", TS. Khương Kim Tạo phân tích.
Tuy nhiên, cũng không nên đổ cho việc ý thức của người dân kém, mà cần phải nhìn vào góc độ giáo dục trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
"Công tác giáo dục của chúng ta chưa được hoàn thiện, vì "nhân chi sơ, tính bản thiện", một đứa trẻ sinh ra là một tờ giấy trắng, chưa hề có kiến thức. Bằng việc nuôi nấng và dậy dỗ thì đứa trẻ đó sẽ lớn dần lên. Tuy nhiên, sau khi trưởng thành nó lại trở thành một người có ý thức kém, tức là do công tác giáo dục đứa trẻ đó chưa được tốt, chứ không phải ý thức nó kém từ khi vừa sinh ra.
Chúng ta cũng không thể đổ vấy cho việc thiếu sót trong giáo dục này là do Bộ Giáo dục, hay các trường đào tạo, mà sai sót này liên quan đến công tác chung của toàn xã hội. Cả hệ thống Chính trị, mỗi người dân đều phải chung tay thì mới có thể giải quyết được vấn đề", Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nói.
Cũng theo vị này, không riêng gì vấn nạn giao thông mà cả những vấn nạn khác của xã hội, chúng ta cũng đều phải nhìn nhận rằng, công tác quản lý giữ vai trò quyết định trong việc điều chỉnh các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, cần điều chỉnh như thế nào thì sẽ phải nghiên cứu lâu dài…
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 29/1 đến 6/2, tức từ 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần), toàn quốc xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông, làm chết 121 người, bị thương 138 người.
Trong đó, đường bộ xảy ra 214 vụ, làm chết 120 người, bị thương 137 người; đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 1 người, bị thương 1 người.
Cũng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 25.723 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 25 tỷ đồng, tạm giữ 110 xe ô tô, 4.277 xe mô tô, tước 2.127 giấy phép lái xe các loại. Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao là tỉnh Thanh Hóa với 1.952 trường hợp, Hà Nội 1.099 trường hợp, Bình Định 1.051 trường hợp, Trà Vinh 844 trường hợp, TP. HCM 767 trường hợp, Sóc Trăng 636 trường hợp.
Toàn quốc đã xử lý 1.676 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 6,6% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông); phát hiện 6 lái xe dương tính với ma túy. Các địa phương đã kiểm tra, xử lý 215 trường hợp vi phạm luật giao thông đường thủy, phạt tiền hơn 100 triệu đồng.
Theo Sức khỏe Đời sống