Chúng ta có đang bị mạng xã hội 'dắt mũi'?

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Mạng xã hội đang biến hóa từ đem lại lợi ích cho người dùng đến việc trở nên chi phối hành vi của họ thông qua những lượt like, share và comment.

Sau gần 2 thập kỉ có mặt khuấy đảo thế giới công nghệ, mạng xã hội trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu người dân Việt Nam cũng như hàng tỉ người trên thế giới.

Những tác động tích cực trên tất cả các mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ,... từ mạng xã hội đưa lại là không thể phủ nhận. Kết nối nhanh hơn, đông hơn, và mạnh hơn; kinh doanh dễ dàng, thuận tiện hơn; truyền thông rộng rãi hơn,... Nhưng, trên thực tế mạng xã hội đang dần chuyển biến từ đem lại lợi ích cho người dùng đến chi phối hành vi của người dùng.

mang-xa-hoi
Ảnh minh họa

Trong số các mạng xã hội, nổi bật và phổ biến nhất có thể kể tới Facebook. Các tính năng mới như: hẹn hò thông qua những điểm chung, Livestream, đăng video tổng hợp, các nút bấm cảm xúc phong phú, ... giúp cho Facebook ngày càng trở nên đa dạng, thông minh và thu hút người dùng hơn.

Tuy nhiên thời gian gần đây, vụ việc Facebook làm rò rỉ thông tin cho công ty dữ liệu Cambridge Analytica (ảnh hưởng tới hơn 87 triệu người dùng) đã làm giảm niềm tin và độ yêu thích của những tín đồ công nghệ đối với mạng xã hội này. Phong trào "Delete Facebook" nổi lên một thời gian ngắn nhưng cũng đủ khiến cho cổ phiếu của hãng công nghệ này nhiều phen lao đao.

Mà hậu quả trực tiếp là CEO của hãng - Mark Zuckerberg liên tục phải trả lời chất vấn các Nghị viện từ Mĩ sang châu Âu về trách nhiệm của hãng cũng như những biện pháp thực thi sắp tới để đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng.

Vụ rò rỉ thông tin cho Cambridge Analytica (được cho là có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả bầu cử Tổng thống Mĩ 2016) chưa kịp lắng xuống thì mới đây thông tin Facebook chia sẻ thông tin người dùng cho 4 hãng công nghệ của Trung Quốc lại khiến cho người dùng thêm một phen bàng hoàng, sửng sốt, trong đó Huawei vốn đang nằm trong tầm ngắm của tình báo Mỹ vì lo ngại an ninh.

Những thông tin liên tiếp về vấn đề bảo mật trên mạng xã hội đã cho thấy một thực tế mà không phải đến bây giờ, các nhà chuyên môn và dư luận vẫn lo ngại và cảnh báo: Mạng xã hội càng mở, khả năng an toàn và được bảo vệ của chúng ta càng mong manh.

Vấn đề an toàn thông tin cá nhân là một chuyện, chúng ta giờ đây còn rất dễ dàng biến một thông tin gây tranh cãi nào đó trở thành một trào lưu, mặc kệ nó được chứng thực ở mức độ nào, đáng tin cậy hay không. Một người nổi tiếng, một người có uy tín, có chuyên môn,... phát biểu đăng đàn Facebook là kéo theo hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lượt Share. 

Điển hình có thể nói tới vụ việc nhà báo Lại Văn Sâm bị giả mạo trên Facebook dù ông không hề tham gia mạng xã hội này. Đáng sợ hơn, kẻ giả mạo này đã tập hợp được một lượng lớn người theo dõi thông qua những câu chuyện đời thường, triết lí nhân sinh rất thấm và dễ đi vào lòng người.

Chỉ đến khi câu chuyện đi quá xa qua thông tin sai lệch liên quan đến Luật Đặc khu (vẫn đang trong quá trình dự thảo), cộng đồng Facebook mới tá hỏa bởi việc chính Nhà báo này đính chính, mình không hề có tài khoản Facebook nào.

Không chỉ Nhà báo Lại Văn Sâm mà đa số những người nổi tiếng đều từng một, hai lần công bố có tài khoản Facebook giả mạo tên của họ. Trong số này có thể kể đến Hoa hậu Phạm Hương, Hoa hậu Đặng Thu Thảo, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Mỹ Tâm,... Điều đáng nói là về lâu dài các tài khoản này sẽ đổi tên mà thông tin đem tới không hề liên quan đến những người nổi tiếng này.

Sự nguy hiểm nằm ở chỗ, những lượt like, comment và share chúng ta làm hằng ngày trở thành một kho dữ liệu vô cùng xác đáng để mạng xã hội có thể chi phối hành vi của chúng ta. Mỗi lần bạn tìm kiếm thứ gì qua Google thì ngay lập tức hôm sau Facebook sẽ hiện quảng cáo đúng mặt hàng đó cho bạn trên trang chủ. 

Các nhà chuyên môn cũng cảnh báo nếu những thông tin này bị rò rỉ, việc nắm bắt sở thích, quan điểm, lối sống của mỗi chúng ta nằm trong lòng bàn tay của những tổ chức lưu trữ những thông tin này.

Đối với vấn đề này, có rất nhiều người đã quyết định dừng hẳn không liên lạc qua mạng xã hội, có những người lại chia sẻ những thông tin ít quan trọng và mang tính cá nhân hơn. Nhưng đại bộ phận người dùng vẫn cho rằng những thông tin mà họ công khai trên Facebook chính là thể hiện thái độ mở, chơi và sống cùng công nghệ. Họ vẫn thờ ơ rằng chưa có gì đáng lo ngại.

Có thể nói mạng xã hội hay bất cứ công nghệ thông minh nào, là những thành tựu của trí tuệ con người, đem lại lợi ích và giúp cuộc sống trở nên tiến bộ hơn. 

Tuy nhiên, lựa chọn tiếp thu hiệu quả những giá trị tích cực từ mạng xã hội hay lạm dụng và để mạng xã hội chi phối lại nằm ở chính mỗi hành động của chúng ta. Sẽ không có một thứ công nghệ nào có thể chiến thắng con người, nếu chúng ta luôn luôn ý thức kiểm soát mỗi hành vi, lời nói của mình hàng ngày.

Chi Chi